Thứ tư,  18/09/2024

Phòng trừ sâu, bệnh hại lúa xuân

LSO- Hiện nay, lúa xuân đang trong giai đoạn đứng cái, phân hóa đòng, xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại, một số đến ngưỡng phòng trừ. Các cơ quan chuyên môn và người dân đã, đang tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Tính đến đầu tháng 6/2018, diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh bị một số loại sâu bệnh gây hại gồm: rầy các loại, mật độ phổ biến từ 500 đến 1.000 con/m2, nơi cao từ 2.500 đến 3.000 con/m2. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 41,5 ha thuộc các huyện: Lộc Bình, Văn Quan, Chi Lăng, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn; diện tích cần phun phòng trừ 44 ha. Không chỉ rầy các loại, trên lúa còn có sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ phổ biến từ 10 đến 20 con/m2, mật độ cao từ 40 đến 50 con/m2. Diện tích nhiễm nhẹ trung bình 2 ha ở các huyện: Lộc Bình, Chi Lăng, Bình Gia, Hữu Lũng; diện tích cần phòng trừ 4 ha. Ngoài ra, còn có bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá sinh lý nhưng ở mức độ nhẹ.

Ngay sau khi cập nhật tình hình sâu bệnh hại, Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh đã chỉ đạo các trạm BVTV huyện, thành phố tùy vào tình hình thực tế để ra thông báo hoặc thông báo khẩn hướng dẫn bà con cách phòng trừ kịp thời, nhất là đối với các diện tích đến ngưỡng phòng trừ.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật, khuyến nông viên và người dân xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa vụ xuân

Theo đó, tại huyện Hữu Lũng, hiện nay, lúa đang trong giai đoạn trỗ, đốn câu. Trên lúa đang có một số loại sâu bệnh gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, khô vằn, đạo ôn… Ông Dương Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện cho biết: Cuối tháng 5 vừa qua, khi phát hiện có sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu các loại, rầy lưng trắng, trạm đã ra thông báo khẩn gửi các xã. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, khuyến nông viên các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời; định hướng bà con tùy thuộc vào tình hình sâu bệnh cụ thể để sử dụng đúng loại thuốc, phun đúng thời điểm. Nhờ đó, diện tích sâu bệnh nhiễm được kiểm soát và không lây lan.

Không chỉ Hữu Lũng mà ở các huyện, thành phố khác bà con cũng đã và đang chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại. Ông Vy Văn Lành, thôn Khòn Thống, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình cho biết: Vụ xuân năm nay tôi cấy 4 sào lúa giống DV 108. Tháng 5 vừa qua, đi thăm đồng phát hiện sâu cuốn lá nhỏ, tôi chủ động phun phòng trừ. Thời điểm hiện tại, lúa đang trong giai đoạn đứng cái. Kiểm tra đồng ruộng thấy có rầy nâu, tôi đã tiếp tục phun phòng. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tôi đã có thêm kiến thức, cách nhận biết sâu bệnh để chủ động phòng trừ kịp thời…

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy gần 15.580 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa như: khang dân 18, DV 108, kim cương 90, hoa ưu 109… Hiện lúa đang trong giai đoạn đứng cái, phân hóa đòng. Thời điểm này, thời tiết nắng nóng xen mưa là điều kiện tốt để một số loại sâu, bệnh gây hại phát sinh, phát triển.

Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Để phòng trừ sâu hại lúa xuân, chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản về phòng chống sâu bệnh hại lúa xuân. Đồng thời, chi cục chỉ đạo trạm BVTV các huyện, thành phố đẩy mạnh dự tính, dự báo, khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng, diệt trừ sâu bệnh kịp thời. Từ đầu vụ đến nay, tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa tương đương so với cùng kỳ, một số loại sâu bệnh có diện tích nhiễm tăng, một số loại thấp hơn. Thời gian tới, dự báo rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân, châu chấu, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bạc lá… tiếp tục gây hại trên cây lúa. Chi cục đã và đang chỉ đạo các trạm tăng cường mở rộng điều tra, phát hiện, nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh, phát sinh, đề xuất biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; tuyên truyền, khuyến cáo bà con tích cực thăm đồng thường xuyên… góp phần bảo vệ mùa màng.

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, đối với sâu cuốn lá bà con dùng bẫy đèn để tiêu diệt sâu trưởng thành; đối với các loại rầy, bệnh đạo ôn, vàng lá nghẹt rễ…, bà con chủ động phun phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách… Với sự quan tâm, vào cuộc có trách nhiệm của các ngành chức năng, sự chủ động của nông dân, các diện tích nhiễm sâu bệnh cơ bản được phun phòng trừ kịp thời, không xảy ra tình trạng sâu bệnh gây hại nặng hay phát sinh thành dịch.

DUY PHÁT - NGUYỄN PHƯƠNG