Thứ sáu,  20/09/2024

Văn Lãng: Phát huy hiệu quả vốn hỗ trợ sản xuất

(LSO) – Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (HTSX) thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần giúp các xã trên địa bàn huyện Văn Lãng xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn HTSX, những năm gần đây, huyện Văn Lãng không hỗ trợ cho các xã theo kiểu dàn trải, cào bằng mà tập trung rà soát, lựa chọn các mô hình kinh tế có sẵn để nhân rộng, hoặc các mô hình sản xuất mới nhưng phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở… Chính từ sự chủ động như vậy nên từ nguồn vốn này, các mô hình sản xuất hiệu quả ngày càng được nhân rộng. Trường hợp xã Tân Lang là một ví dụ.

Năm 2018, xã Tân Lang được phân bổ nguồn vốn 350 triệu đồng HTSX. Sau khi tính toán kỹ, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã lựa chọn 2 mô hình: hỗ trợ sản xuất rau an toàn và mô hình chăn nuôi lợn thịt. Để triển khai thực hiện, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, nhân dân đối ứng trên 250 triệu đồng.

Người dân thôn Nà Chà, xã Tân Lang kiểm tra hệ thống tưới tự động được hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất

Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã rau Nà Chà, xã Tân Lang (đơn vị trực tiếp được thụ hưởng nguồn hỗ trợ mô hình sản xuất rau an toàn) chia sẻ: Gia đình đã trồng rau an toàn từ nhiều năm nay. Được sự hỗ trợ của nhà nước, năm nay, gia đình tôi cùng các thành viên hợp tác xã đã được hỗ trợ giống, phân bón. Không những vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia đình xây dựng 2 hệ thống tưới nước tự động, qua đó giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Trung bình hiện nay, trừ tất cả các loại chi phí, thu nhập từ trồng rau của gia đình đạt khoảng 10 triệu đồng/sào, cao gấp hơn 3 lần trồng lúa trên cùng diện tích.

Tương tự Tân Lang, từ nguồn vốn HTSX thuộc chương trình xây dựng NTM, các xã khác trong diện được hỗ trợ cũng đã lựa chọn cho mình các mô hình phát triển sản xuất phù hợp. Ông Hoàng Văn Quyến, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn HTSX, UBND xã đã triển khai đến nhân dân thông qua các cuộc họp và lấy ý kiến nhân dân. Sau khi thống nhất, xã đã lựa chọn hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng cây bưởi Diễn. Năm 2018, từ 350 triệu đồng nhà nước hỗ trợ, xã đã hỗ trợ cho 33 hộ trồng được 7.000 cây bưởi Diễn. Được triển khai trồng từ cuối tháng 5/2018, đến nay, cây bưởi sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Bên cạnh 2 xã Tân Thanh và Tân Lang, năm 2018, từ nguồn vốn HTSX trên địa bàn huyện đã xây dựng được các mô hình trồng cây ăn quả ở các xã: Hoàng Văn Thụ, Trùng Quán, Tân Việt. Trong đó, một số mô hình đã đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Ông Đinh Long Xuyên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, các mô hình sản xuất năm 2018 cơ bản hoàn thành, trong đó có mô hình đã cho thu hoạch đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như: mô hình trồng chanh leo, rau an toàn, hồng vành khuyên…

Không chỉ riêng năm 2018, những năm gần đây, từ nguồn vốn HTSX thuộc chương trình xây dựng NTM, một số mô hình sản xuất mới được triển khai, nhân rộng. Cụ thể giai đoạn 2016 – 2018, tổng số vốn đầu tư thực hiện các mô hình phát triển sản xuất trên địa bàn huyện là 5.150 triệu đồng, qua đó hỗ trợ thực hiện được 19 mô hình phát triển sản xuất. Bên cạnh một số mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế ngay như: sản xuất rau an toàn, chăn nuôi lợn thịt, chanh leo… thì các mô hình trồng cây ăn quả cũng từng bước được nhân rộng. Trong đó, nổi bật như mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Tân Thanh từ năm 2016 đến nay đã trồng mới thêm 45 ha; mở rộng thêm trên 100 ha hồng vành khuyên ở các xã: Hoàng Văn Thụ, Tân Mỹ…

Nguồn vốn HTSX đã góp phần quan trọng giúp một số xã trên địa bàn xây dựng được thêm các mô hình phát triển sản xuất mới, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

TÂN AN