Thứ hai,  08/07/2024

Các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công

Tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công

Dự án Cầu Nhật Tân sử dụng vốn vay ODA từ JICA (Nhật Bản). 

 

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá XIV, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận được phiếu chất vấn của đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) về nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tình trạng hạn chế, bất cập trong đầu tư công thời gian qua.

Tại văn bản số 1856/TTg-KTTH trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, những tồn tại, hạn chế trong đầu tư công là do nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong thời gian tới phải nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi những quy định của pháp luật về đầu tư công hiện còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, khoản vốn dự phòng chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, không được sử dụng vốn dự phòng cho các dự án không đúng quy định.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện. Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

Trong đó, đối với vốn đầu tư công, cần tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và liên vùng, liên địa phương.

Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước…), cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức.

Về đầu tư khu vực tư nhân và dân cư, khuyến khích đầu tư tăng cường trang thiết bị có công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển những sản phẩm có giá trị cao; đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ,… Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư có chiều sâu vào các cơ sở nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cần thu hút có chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh và phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế của từng ngành, từng vùng. Đặc biệt thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Đồng thời chuyển dần thu hút vốn FDI với lợi thế nhân công giá rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mở rộng các hình thức đầu tư, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhằm tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời huy động nguồn lực đất đai, tài nguyên cho đầu tư phát triển và đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.

Theo Nhandan