Thứ bảy,  14/09/2024

Hồng Thái: Phát huy thế mạnh đồi rừng

(LSO) – Hồng Thái là xã vùng 3 của huyện Bình Gia, có tổng diện tích tự nhiên 3.807 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 3.248 ha (chiếm 85%). Cùng với phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, phong trào trồng rừng của xã ngày càng phát triển mạnh.

Ông Lương Hoàng Đựng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhằm khai thác lợi thế đất rừng, xã xác định lâm nghiệp là một trong những hướng đi chủ đạo để phát triển kinh tế. Theo đó, việc phát triển kinh tế đồi rừng được Đảng ủy, UBND xã quan tâm và chỉ đạo sát sao đến từng thôn, bản. Những năm gần đây, xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng, bảo vệ đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, trồng các loại cây có khả năng sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ vậy nhận thức của người dân dần thay đổi.

Phong trào trồng rừng ở xã Hồng Thái bắt đầu phát triển từ năm 2008, tuy nhiên chỉ có vài hộ trồng với diện tích chưa đáng kể. Vài năm sau, khi một số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ rừng thì phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển rộng khắp. Đến nay, toàn xã có gần 200 hộ tại 9/9 thôn trồng rừng, hộ trồng ít có 1 ha, hộ trồng nhiều hơn 5 ha. Nhờ đó, tổng diện tích rừng trên địa bàn xã hiện có hơn 500 ha, trong đó, chủ yếu là cây keo và bạch đàn.

Người dân thôn Nam Tiến, xã Hồng Thái bên vườn keo của gia đình

Người dân tập trung trồng keo bởi loại cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Trung bình keo trồng 6 – 7 năm là có thể khai thác. Theo bà con, loại cây này rất dễ trồng và chăm sóc, đặc biệt, cây keo có đặc điểm sau khi khai thác vụ đầu tiên, vụ sau cây sẽ phát triển nhanh và tốt hơn vụ trước.

Khoảng 3 năm trở lại đây, một số diện tích rừng trồng trước của bà con đã đến tuổi khai thác, đem lại nguồn thu đáng kể, từ 100 – 300 triệu đồng như hộ các ông: Hoàng Văn Đài, Hoàng Văn Eng, Lương Văn Hải (thôn Nam Tiến); Long Đại Thắng (thôn Nà Bản); Hoàng Công Tạo (thôn Nà Ngùa)… Qua đó giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả, xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được các vật dụng thiết yếu như ti vi, tủ lạnh, xe máy…

Gia đình ông Long Văn Hải, thôn Nà Bản là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế đồi rừng. Ông Hải cho biết: Năm 2008, tôi phát đồi và trồng được khoảng 1,5 ha keo, đến năm 2017 diện tích keo cho thu hoạch giúp gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, cuối năm ngoái, gia đình tôi trồng lại trên diện tích đã khai thác và mở rộng thêm, đến nay đã trồng được 2,5 ha, cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhận thấy hiệu quả từ rừng, phong trào phát triển kinh tế rừng có sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng thôn, bản, hộ gia đình. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng cũng ổn định khi các thương lái trong và ngoài huyện đến tận nơi thu mua. Các hộ dân có thể tự khai thác, còn nếu không có nhân lực thì thương lái sẽ mua lại cả đồi và tự thuê người khai thác và thu mua. Người dân yên tâm về đầu ra nên diện tích rừng ngày càng được mở rộng. Tính trong năm 2018, toàn xã đã trồng mới được trên 50 ha rừng.

Để khuyến khích người dân  phát triển và mở rộng diện tích rừng, cấp ủy, chính quyền xã đã tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay, tổng dư nợ vốn của các hộ tại ngân hàng chính sách xã hội đạt 11,7 tỷ đồng. Ngoài ra, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, dạy nghề, giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc rừng.

Phong trào phát triển kinh tế đồi rừng ở xã Hồng Thái đã mở ra hướng đi mới giúp người dân trên địa bàn tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nếu như năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm thì hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 41% (giảm 9% so với năm 2017).

K.H