Thứ sáu,  30/08/2024

Xử lý hiệu quả các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

(LSO) – Nhiều khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua cho thấy: hoạt động bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được tỉnh Lạng Sơn quan tâm đặc biệt và quản lý chặt chẽ.

Theo Quyết định số 64, ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở nằm trong danh mục cần xử lý trong đó: có 2 nhà máy sản xuất xi măng, 1 xí nghiệp tuyển khoáng sản; 1 mỏ khai thác than; 1 nhà máy sản xuất giấy; 1 nhà máy sản xuất hóa chất; 1 cơ sở bệnh viện; 1 bãi rác tập trung và 1 kho thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi cơ sở có biện pháp xử lý riêng biệt và rất phức tạp đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đến nay, tỉnh đã hoàn thành xử lý triệt để 9/9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nêu trên và được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để với tổng kinh phí thực hiện hàng trăm tỷ đồng.

Công nhân Xí nghiệp Khai thác nhà máy xử lý nước thải mỏ than Na Dương bảo dưỡng hệ thống bể lọc

Những năm 2000, mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình là một trong những khu vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về ô nhiễm nước thải, khí thải, chất thải rắn, ô nhiễm tiếng ồn từ quy trình sản xuất đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, ngay sau khi có Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Than Na Dương huy động nguồn lực và tập trung triển khai các biện pháp và lộ trình xử lý ô nhiễm môi trường tại mỏ. Theo đó, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng để triển khai các biện pháp xử lý môi trường như: đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đổi mới công nghệ khai thác, trồng cây xanh nhằm giảm thiểu bụi phát sinh từ khu vực sản xuất…

Ông Lý Văn Lục, Giám đốc Công ty Than Na Dương cho biết: Để thực hiện xử lý môi trường triệt để tại mỏ than theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị mất gần 7 năm đầu tư để xử lý, sau khi nghiệm thu, đưa vào khai thác, đơn vị còn chi thêm hàng trăm triệu đồng mỗi năm để vận hành và thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo quy định.

Bà Hoàng Thị Nhung, Giáo viên Trường Tiểu học Mỏ Na Dương cho biết: Việc đầu tư cải thiện môi trường của mỏ than đã giúp môi trường sống của người dân tốt hơn, khói bụi giảm hẳn, nguồn nước thải được xử lý triệt để nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân được ổn định an toàn.

Hệ thống nhà máy xử lý nước thải sản xuất mỏ than Na Dương đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả

Ngoài ra, tỉnh còn xác định 5 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để tập trung xử lý giai đoạn 2016-2020 gồm các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn và tại thôn Dốc Mới, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng; tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia; bãi rác Đèo Quao, xã Quang Lang (huyện Chi Lăng); cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Hiện có 2 khu vực thực hiện xong là điểm tại xã Sơn Hà và xã Hoàng Đồng, các điểm còn lại đang triển khai.

Tại điểm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tại thôn Dốc Mới, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, khu vực ô nhiễm nằm sát với khu đông dân cư, trước đây, khi chưa được xử lý, mỗi khi trời mưa chuyển nắng là bốc mùi khó chịu. Sau khi triển khai các biện pháp xử lý như: đốt độ sâu, phương pháp hóa học (Fenton) kết hợp phân hủy sinh học để phân hủy hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ diện tích khu vực nhiễm đặc biệt và vùng đệm với diện tích gần 1.000 m2 đã được xử lý an toàn.

Ông Nông Thanh Lạng, Trưởng thôn Dốc Mới 1 cho biết: Khi chưa có dự án xử lý điểm ô nhiễm, mỗi khi biến đổi thời tiết  là sinh hoạt của người dân lại khốn đốn vì mùi. Từ cuối năm 2017, thời điểm hoàn thành xử lý điểm tồn lưu hóa chất đến nay đã không còn mùi dù bất kể thời tiết nào, bà con trong khu vực rất phấn khởi vì môi trường sống của khu dân cư đã an toàn.

TRANG NINH