Thứ sáu,  20/09/2024

Sử dụng vốn sản xuất kinh doanh: Điểm sáng Bắc Sơn

(LSO) – Hiện nay, tổng dư nợ vốn sản xuất kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn trên địa bàn huyện Bắc Sơn là 118,5 tỷ đồng, đạt số dư nợ lớn nhất trong toàn tỉnh. Nguồn vốn này đã “tiếp sức” giúp nhiều gia đình có vốn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Gia đình bà Dương Thị Vinh, thôn Lân Vi, xã Chiến Thắng là một trong những hộ tiêu biểu xây dựng được mô hình kinh tế đem lại hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi. Bà Vinh cho biết: Năm 2014, gia đình tôi vay 30 triệu đồng vốn SXKD của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để đầu tư chăn nuôi bò và trồng cây ăn quả. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, trung bình mỗi năm gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng và đã trả nợ cho ngân hàng. Năm 2018, gia đình tiếp tục vay vốn chương trình để mở rộng diện tích cây ăn quả và chăn nuôi. Nhờ vậy, hiện gia đình phát triển được trên 700 gốc bưởi diễn, bưởi da xanh và 5 con bò thương phẩm.

Người dân thôn Lân Vi, xã Chiến Thắng sử dụng nguồn vốn phát triển cây ăn quả

Không chỉ gia đình bà Vinh, những năm qua, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình SXKD mà nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như: nuôi gà, lợn, trồng cây ăn quả, trồng rừng… đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Theo Quyết định số 1010, ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn, huyện Bắc Sơn có 17/20 xã thuộc vùng khó khăn. Để góp phần thúc đẩy sản xuất ở các xã vùng khó, những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH Bắc Sơn đã tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện về triển khai và thực hiện chương trình vốn SXKD vùng khó khăn.

Ông Trần Sỹ Đạo, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, phòng giao dịch chủ động tham mưu cho huyện chỉ đạo cơ sở rà soát nhu cầu thực tế của các hộ vay vốn để xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Trên cơ sở quyết định giao vốn của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh giao cho huyện, đơn vị chủ động tham mưu với UBND huyện căn cứ nhu cầu thực tế, ban hành quyết định giao vốn đến các xã để triển khai cho vay kịp thời. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể , UBND các xã tuyên truyền về chính sách vốn.

Qua đó, người dân đều hiểu rõ về chương trình vốn nên chủ động làm hồ sơ vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, tổng dư nợ chương trình đạt 118,5 tỷ đồng, với 3.079 lượt hộ vay, là chương trình chiếm số dư nợ lớn nhất trong 14 chương trình tín dụng ưu đãi mà huyện đang triển khai. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, đơn vị đã giải ngân trên 11 tỷ đồng cho gần 250 hộ vay. Các xã có dư nợ chương trình lớn như: Hưng Vũ 14 tỷ đồng; Vũ Lễ 12,7 tỷ đồng; Đồng Ý 11,7 tỷ đồng; Nhất Hòa 7,8 tỷ đồng…

Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền người dân đưa vốn vào phát triển sản xuất, NHCSXH huyện còn quan tâm đến các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị mở được 14 lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn cho cán bộ tổ chức hội, ban giảm nghèo, tổ tiết kiệm và vay vốn; kiểm tra 20/20 xã, thị trấn; đối chiếu nợ đến 100% khách hàng đang dư nợ. Qua kiểm tra, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. (Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 32 triệu đồng/người/năm năm 2017 đến nay lên 36 triệu đồng/người/năm).

Cùng với đó, hằng năm, phòng giao dịch còn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, UBND các xã tuyên truyền, giúp hàng trăm lượt hộ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt… Qua đó, giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có kiến thức xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Chương trình cho vay SXKD được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2007. Đến nay, huyện Bắc Sơn là đơn vị có dư nợ chương trình lớn nhất trong toàn chi nhánh tỉnh và không có nợ quá hạn. Kết quả đó là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của cả đơn vị, góp phần chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến hàng nghìn hộ gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện hoạt động SXKD ở vùng khó khăn, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

KIM HUYÊN