Thứ sáu,  20/09/2024

Rộng đường cho tôm Việt sang Hoa Kỳ

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%, theo kết quả kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13). Điều này mở đường cho con tôm Việt sang thị trường Hoa Kỳ và nhiều thị trường khác.

Rộng đường cho tôm Việt sang Hoa Kỳ

31 doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ.

Tin vui cho con tôm Việt

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, ngày 9-4 vừa qua, DOC đã công bố mức thuế chống bán phá giá (CBPG) sơ bộ đợt POR13 cho tôm Việt Nam trong giai đoạn 1-2-2017 đến ngày 31-1-2018 là 0% cho 31 doanh nghiệp. Trong đó, DOC tạm cho rằng các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của hai bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn này. Từ đó, DOC đưa ra thông báo thuế sơ bộ đối với hai công ty là 0%. 29 doanh nghiệp còn lại cũng được hưởng mức thuế 0%.

Trước đó, kết quả cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12), thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong giai đoạn từ 1-2-2016 đến 31-1-2017, DOC áp thuế cho Công ty thực phẩm Sao Ta ở mức rất cao, là 4,58% và mức thuế chung áp dụng cho các đơn vị khác cũng ở mức tương ứng là 4,58%. Như vậy, với kết quả sơ bộ của kỳ POR13 cả FIMEX VN và 30 doanh nghiệp khác có mức thuế suất là 0%, tức đã giảm đến 4,58% so với kết quả cuối cùng của kỳ POR12.

“Mặc dù đây mới chỉ là kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 13, kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được DOC công bố vào tháng 8-2019, khi đó mức thuế suất 0% này mới có hiệu lực. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, kết quả phán quyết này sẽ tạo tâm lý phấn khởi cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Từ đó thúc đẩy tăng khả năng ký kết các đơn hàng nhiều hơn cho doanh nghiệp tôm trong thời gian tới” – ông Trương Đình Hòe cho hay.

Không giấu được niềm vui mừng trước thông tin này, ông Hồ Quốc Lực – Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta – một trong hai bị đơn bắt buộc trong vụ kiện bán phá giá, cho biết mức thuế 0% sẽ tạo lòng tin cho các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ duy trì và mở rộng việc mua tôm từ Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội cho con tôm Việt rộng đường xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, mà còn mở đường cho con tôm sang nhiều thị trường khác.

Nhiều năm nay, Hoa Kỳ vẫn là một trong những thị trường lớn nhất của con tôm Việt Nam. Tuy nhiên, việc liên tục vấp phải những khó khăn do các đợt rà soát chống bán phá giá. Đơn cử, trong hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đã giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tận dụng cơ hội

Ông Trương Đình Hòe chia sẻ thêm, thực tế không chỉ có tôm Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá mà tôm của các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái-lan cũng đang bị DOC áp dụng hình thức này. Vì thế, kết quả sơ bộ của đợt POR13 sẽ giúp cho tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nước kể trên và các doanh nghiệp phải nắm bắt vấn đề này để đàm phán hợp đồng với đối tác nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu trong năm nay.

Bên cạnh đó, chất lượng là yếu tố sống còn và lâu dài mà doanh nghiệp ngành tôm xác định phải thực hiện quyết liệt để nâng cao chất lượng, hình ảnh con tôm. Bởi dù có được giảm thuế nhiều đến đâu mà không bảo đảm chất lượng thì con tôm Việt vẫn không có được sức cạnh tranh. “Vì thế, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thực hiện ổn định tăng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm lúc nào cũng đáp ứng nhu cầu thị trường. Dù có bị áp thuế hay không áp thuế thì chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu” – ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.

Về phía các cơ quan chức năng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, để ngành tôm Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực cần có sự chung tay chia sẻ, vào cuộc từ bộ ngành trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người nuôi, trước mắt tập trung giải quyết những hạn chế để giảm chi phí đầu vào. Sau đó là đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tôm chế biến; xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị và bảo vệ hình ảnh con tôm Việt trên thị trường thế giới.

Ngay từ cuối năm 2018, VASEP đã đặt mục tiêu trong năm 2019 ngành hàng tôm xuất khẩu sẽ ở mức khoảng 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên trong quý I-2019 do ảnh hưởng nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên xuất khẩu của mặt hàng này chưa bứt phá, thậm chí đã có sự sụt giảm khoảng 10% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cùng với tin vui từ Hoa Kỳ, cùng các chương trình cải thiện vùng nuôi tôm và hoạt động nâng cao chất lượng thì mục tiêu này sẽ được kỳ vọng sẽ đạt được. VASEP cũng đang tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp phải thực hiện tốt những yêu cầu mà thị trường đưa ra, đồng thời tích cực quảng bá và tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.

Theo Nhandan