Thứ sáu,  20/09/2024
Bắc Xa

Phát triển kinh tế từ cây sa nhân

LSO-Bên cạnh phát triển kinh tế rừng, tận dụng điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, thời gian qua, người dân xã Bắc Xa, huyện Đình Lập tích cực trồng và mở rộng diện tích cây sa nhân, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. 


Người dân thôn Tẩn Lầu, xã Bắc Xa chăm sóc cây sa nhân

Tìm hiểu được biết, cây sa nhân không phải là cây trồng truyền thống của xã. Trước đây, cây này thường mọc tự nhiên trong rừng nhưng năng suất và chất lượng quả không cao. Năm 1991, một số hộ dân sau khi nghe giới thiệu về các ưu điểm của cây trồng này đã lặn lội sang Trung Quốc tìm mua cây giống về trồng thử.

Sau 3 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cùng nhiều ưu điểm như: dễ trồng, dễ chăm sóc, sau một thời gian ngắn được thu; giá bán cao và ổn định, năm 2000, người dân bắt đầu trồng nhiều hơn. Tuy nhiên, phải đến năm 2010, phong trào trồng cây sa nhân trong xã Bắc Xa mới thực sự phát triển mạnh. Hiện nay, cây sa nhân được trồng tại 14/14 thôn bản, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Bản Quầy, Tẩn Lầu, Khuổi Sâu, Nà Thuộc, Bản Háng… Trong đó, hộ trồng ít từ 4 – 5 sào, hộ trồng nhiều từ 3 – 4 ha.

Ông Tô Vũ Liên, thôn Bản Quầy cho biết: Năm 2000, sau khi thấy một số hộ trong thôn trồng cây sa nhân được thu hoạch, tôi mua 200 cây giống về trồng thử. Năm 2003, tôi thu được 70 kg quả, bán với giá 140 nghìn đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, tôi chủ động nhân giống từ vườn của gia đình. Hiện nay, tôi có 3 ha sa nhân. Bình quân mỗi năm thu hoạch gần 2 tấn quả, trừ chi phí, gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2015, nhận thấy nhu cầu mua cây giống của người dân trong xã, trong huyện nhiều, tôi đã chủ động ươm cây giống bán cho bà con. Năm 2018, tôi xuất vườn 1,6 vạn cây, cho các xã lân cận như: Bính Xá, Kiên Mộc, Lâm Ca, Thanh Lòa (Cao Lộc)… từ đó có thêm một nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài gia đình ông Liên, nay trên địa bàn xã Bắc Xã đã và đang có rất nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm từ cây sa nhân như: ông Tô Vĩnh Sạch (Bản Quầy); ông Chu Văn Sáu (Khuổi Sâu); ông Đường Văn Pháp (Tẩn Lầu); ông Chu Văn Hậu (Nà Thuộc); ông Hoàng Văn Hải (Bản Háng)…

Ông Tô Vĩnh Sạch (thôn Bản Quầy) – người đầu tiên trồng cây sa nhân của xã Bắc Xa cho biết: Sa nhân là cây dược liệu dễ trồng. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có bóng râm và có độ ẩm duy trì từ 45 – 50%. Thời gian thích hợp để trồng cây mới là từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch (thời điểm mùa mưa). Thời gian thu hoạch chính vào trung tuần tháng 7 âm lịch và thường chỉ kéo dài từ 7 – 10 ngày. Đặc biệt, cây sa nhân hiện có đầu ra rất ổn định vì thường từ tháng 5 âm lịch, các thương lái đến tận vườn để đặt mua, giá dao động từ 100 – 160 nghìn đồng/kg quả tươi.

Ông Tô Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Xa cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển và hiệu quả kinh tế của cây sa nhân, từ năm 2012, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng, tuyên truyền người dân tận dụng các mảnh rừng, dọc khe suối, đáp ứng các yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm để trồng. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm, người dân trồng từ 5 – 10 ha. Riêng năm 2018, bà con trồng 15 ha, nâng tổng diện tích cây sa nhân của toàn xã hiện nay lên gần 80 ha. Đặc biệt, năm 2018, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã dành 294 triệu đồng để đầu tư làm đường, xây dựng vườn ươm để nhân rộng và hỗ trợ cây giống cho các thành viên trong hợp tác xã của xã. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân duy trì, phát triển vườn sa nhân để phát huy tiềm năng, thế mạnh cũng như nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Nhờ phát triển cây sa nhân, thu nhập bình quân của các gia đình ngày càng ổn định. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt gần 34 triệu đồng/người/năm, tăng 26 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo còn 11,04%, giảm gần 34 % so với năm 2015.

NGUYỄN PHƯƠNG