Thứ sáu,  20/09/2024

Gỡ rào cản để kinh tế tư nhân tăng tốc

Bức tranh toàn cảnh của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) về phát triển KTTN (Nghị quyết 10) đã được khắc họa rõ nét tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, do Chính phủ phối hợp Ban Kinh tế T.Ư tổ chức trong hai ngày 2 và 3-5. Điểm mới của diễn đàn năm nay là thiết lập các “phiên hiến kế” tập trung vào sáu lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Qua đó góp phần tìm ra giải pháp hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế quan trọng này trong thời gian tới.

Gỡ rào cản để kinh tế tư nhân tăng tốc

Doanh nghiệp tư nhân giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam tại triển lãm trong khuôn khổ của Diễn đàn.

 

Kết quả bước đầu từ Nghị quyết 10

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết 10 về phát triển KTTN, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư khẳng định: Phát triển KTTN là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðây được xem là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phân bổ nguồn lực có hiệu quả. Nghị quyết 10 là kết tinh, đúc kết từ kinh nghiệm trước đó cũng như tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của thế giới. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để Nghị quyết 10 đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực cho phát triển KTTN trong hai năm qua.

Thông tin được cập nhật từ Diễn đàn cho thấy, nhằm hiện thực hóa chủ trương của Nghị quyết 10, hàng loạt chương trình hành động được thực thi một cách rốt ráo, quyết liệt nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở và cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp (DN), người dân; khuyến khích khởi nghiệp và thúc đẩy mọi thành phần kinh tế cùng phát triển. Những kiến nghị được nhanh chóng tiếp thu và giải quyết, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN.

Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Trương Gia Bình cho biết: Thống kê cho thấy, 30% kiến nghị được xử lý, 50% kiến nghị được chỉ đạo xử lý và đang thực thi; chỉ 10% kiến nghị chưa có chuyển biến rõ nét. Cộng đồng DN và quốc tế rất ấn tượng với sự chuyển dịch trên các lĩnh vực Chính phủ điện tử, cắt giảm chi phí cho DN. Nhờ đó, chỉ số kinh doanh; logistics và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đều tăng 25 bậc. Ðiều này làm dấy lên niềm tin của cộng đồng DN tư nhân vào quyết sách đúng đắn của Ðảng, giúp họ vững bước phát triển, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước. Nhiều DN, doanh nhân mạnh dạn hơn trong việc bỏ vốn, rót tiền vào các dự án kinh doanh lớn. Khu vực KTTN đã có sự bứt phá, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp hơn 40% trong GDP, cao hơn khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút khoảng 65% nguồn nhân lực cả nước.

Tuy nhiên, KTTN vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng vì phải đối diện không ít khó khăn, thách thức. Ðó là sự thiếu công bằng trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai,… hay chính sự nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện các thủ tục, điều kiện kinh doanh. Nghiêm trọng hơn, dù chủ trương thúc đẩy vai trò của KTTN đã được các lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Chính phủ nhiều lần khẳng định, quyết liệt chỉ đạo nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, hoặc “trên nóng, dưới lạnh, giữa thờ ơ” ở một số cơ quan, ban, ngành, địa phương đã khiến không ít DN tư nhân suy giảm nhiệt huyết kinh doanh, sản xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, con số ấn tượng mỗi năm có hơn 100 nghìn DN tư nhân mới được thành lập cùng với vai trò, vị trí của KTTN ngày càng được nâng cao cho thấy Nghị quyết 10 đã đi vào cuộc sống một cách thực chất. Nhưng mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 là nhiệm vụ còn nhiều thách thức, vì môi trường kinh doanh Việt Nam đứng thứ 69 thế giới, còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực. Thực tế này đòi hỏi phải tập trung vào những vấn đề then chốt, nhất là hoàn thiện thể chế để phát triển khu vực KTTN. Quốc hội và Chính phủ đang rà soát hệ thống pháp luật liên quan, đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2019 nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN cả ở khâu gia nhập và rời bỏ thị trường; giảm chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí không chính thức cho DN. Quốc hội sẽ tập trung nâng cao chức năng giám sát để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật nghiêm túc.

Doanh nghiệp sôi nổi hiến kế

Trong phiên toàn thể diễn ra chiều 2-5, đại diện các hiệp hội và DN đã có cơ hội trình bày nhiều kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy KTTN phát triển. Mở màn phần “hiến kế”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề xuất: Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới và bảo đảm được tính minh bạch, an toàn và thuận lợi. Ngoài việc quan tâm phát triển số lượng, cần chú trọng nâng cao chất lượng của các DN tư nhân bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Mặt khác, thúc đẩy phát triển KTTN không thể tách rời các chính sách tái cấu trúc khu vực DN nhà nước và thu hút chọn lọc FDI, để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển KTTN.

Ðúc kết từ “phiên hiến kế” chủ đề “kinh tế số” diễn ra trước đó, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ: Khu vực tư nhân hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của Chính phủ khi xây dựng Ðề án chuyển đổi số quốc gia. Nhưng Chính phủ cần kiên quyết thực hiện chủ trương “cái gì tư nhân có thể làm phải để tư nhân làm”, giảm đi phần “làm thay” từ phía các cơ quan nhà nước; đồng thời, cần cho phép một khung khổ pháp lý để ủng hộ sự ra đời của các cái “mới”, vì đây là điều hết sức cần thiết tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển.

Ðể tạo lực phát triển cho ngành du lịch, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề nghị: Ngay trong năm 2019, Chính phủ cần xem xét mở visa cho ít nhất ba nước đã có trong danh sách các nước sẽ mở visa theo lộ trình để thể hiện sự cởi mở không hề thua kém so các nước trong khu vực. Khu vực tư nhân sẵn sàng cam kết thúc đẩy tăng trưởng lượng du khách từ các nước này lên từ 10 đến 20%. Mặt khác, chính phủ cũng nên cho phép mở văn phòng đại diện xúc tiến du lịch quốc gia tại các nước bằng nguồn lực tư nhân (gồm cả mô hình, cơ chế hoạt động, con người, tài chính…). Trong trường hợp Chính phủ nhất trí, các DN tư nhân sẽ bảo đảm nguồn lực để mở ngay văn phòng đại diện tại hai thị trường trọng điểm là Anh và Ô-xtrây-li-a. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: Trên cơ sở xem xét tổng hòa các yếu tố liên quan, Bộ Ngoại giao đang phối hợp Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến việc mở visa cho một số nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, ghi nhận các kế sách của cộng đồng DN, đại diện các bộ, ngành liên quan đã trực tiếp trả lời một số vấn đề và tiếp tục nghiên cứu để hoạch định lại chính sách theo hướng tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của khu vực KTTN như tinh thần của Nghị quyết 10.

Trong khuôn khổ Diễn đàn KTTN 2019, các đại biểu đã chính thức bấm nút khởi động “Chương trình thúc đẩy hợp tác công – tư để tăng tốc phát triển bứt phá nền kinh tế”. Một trong những loại hình hợp tác công – tư khả thi hiện nay giữa bộ, ngành và khu vực tư nhân là tập trung nguồn lực, giải pháp để triển khai các hoạt động dự báo, cung cấp thông tin về công nghệ, tiêu chuẩn của các thị trường, nhất là thị trường các nước tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay một số hiệp định thương mại song phương khác. Qua đó, giúp DN đánh giá chính xác thông tin, cơ hội thị trường, sự cạnh tranh của các bên và hành động cần thiết với từng nhóm sản phẩm trong nước.

Thời gian qua, chất lượng và số lượng DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) ngày càng tăng với hàng nghìn DN được thành lập. Chất lượng các thương vụ đầu tư start-up cũng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn khoảng 889 triệu USD, tăng gấp ba lần so năm 2017. Tuy nhiên, môi trường phát triển DN khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm,… đang tạo ra các “nút thắt” khiến nhiều nhà đầu tư e ngại, còn các DN start-up lại mất đi cơ hội kinh doanh.

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn
Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang lan tỏa, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ KTTN đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho phát triển KTTN. Chính phủ cũng cần tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ người Việt Nam trong và ngoài nước.

Võ Quang Huệ
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup

Theo Nhandan