Thứ năm,  19/09/2024

Không để dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Sau khi bùng phát mạnh tại các tỉnh phía bắc, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại các tỉnh phía nam. Những ngày giữa tháng 5, các địa phương đang dồn hết sức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch…

Không để dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Phun hóa chất khử trùng xe chở lợn tại chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (Ðồng Nai).

 

Là địa phương có đàn lợn lớn, ước tính hơn 1,1 triệu con, đến nay tỉnh Bắc Giang đã có hơn 35.000 con lợn bị nhiễm DTLCP. Dịch bùng phát mạnh, trong khi công tác kiểm soát dịch ở địa phương dường như chưa hiệu quả…

Xã Yên Lư, huyện Yên Dũng hiện có hơn 3.500 con lợn chết do nhiễm DTLCP, chiếm hơn một phần ba số lợn chết trên toàn huyện. Mặc dù chính quyền xã đã lập ba trạm kiểm soát việc vận chuyển lợn trên địa bàn và rắc vôi bột khử trùng trên các tuyến đường liên thôn, đường dẫn vào xóm ngõ nhưng nguy cơ dịch lan rộng vẫn cao đối với đàn lợn khoảng 5.000 con ở sáu trang trại lớn và các hộ dân chăn nuôi lợn riêng lẻ. Còn tại xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), đã hơn 10 ngày nay, ngày nào cũng có hộ dân báo tin đàn lợn nhà mình bị dịch. Người chăn nuôi thức trắng đêm canh lợn chết rồi khuân ra vườn, ra sân đợi mang đi tiêu hủy. Ông Lương Hồng Sơn, thú y viên xã Tân Mỹ chia sẻ, lượng lợn chết trên địa bàn xã quá lớn, nếu không kịp thời chôn lấp sẽ khiến dịch lây lan sang địa bàn giáp ranh. Ðược UBND xã cho phép, ông Sơn liên hệ thuê máy xúc đào hố, xe tải chở lợn và thuê hơn 10 nhân công chôn lợn. Sau hơn 10 ngày hoạt động, tổ công tác của xã đã chôn hơn 2.000 con lợn. Tổng kinh phí cho việc tiêu hủy lợn của xã đã lên tới hơn 300 triệu đồng. Số tiền này đang chờ xin TP Bắc Giang hỗ trợ.

Do chính quyền các xã có dịch chậm kiểm kê và hỗ trợ tiêu hủy lợn chết, nhiều hộ dân chủ động mang lợn chết vứt ra đồng, xuống mương thủy lợi. Tại tuyến kênh chảy qua xã Ðại Thắng (huyện Hiệp Hòa) và tuyến kênh giáp ranh giữa xã Thái Ðào (huyện Lạng Giang) và thị trấn Tân Dân (huyện Yên Dũng), chúng tôi không khỏi rùng mình khi thấy đầy xác lợn. Dòng nước chứa mầm bệnh chảy qua các lòng máng vào các cánh đồng hoặc sang các xã bên cạnh.

Ðầu tháng 4-2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống DTLCP với hơn 100 đoàn công tác cấp tỉnh, huyện được triển khai đến từng xã, phường chỉ đạo hướng dẫn phòng, chống dịch. Toàn tỉnh đã lập 63 chốt kiểm soát vận chuyển động vật, thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường với tổng lượng hóa chất hơn 56 nghìn lít và gần 1,4 nghìn tấn vôi bột. Nhưng do địa bàn rộng, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nên việc quản lý, kiểm soát bệnh dịch gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định, phương châm phòng, chống dịch bệnh của tỉnh là quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, chủ động, không hoang mang. Tuy nhiên, một số lãnh đạo cơ sở còn chưa thật sự sâu sát trong kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch và còn chủ quan, lơ là trước diễn biến của dịch nên việc dập dịch trên địa bàn chưa hiệu quả. Ở một số nơi như các xã Nghĩa Trung, (Việt Yên), Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), Yên Lư, Nội Hoàng, Thắng Cương, Ðồng Phúc (Yên Dũng), Yên Mỹ (TP Bắc Giang), Thái Ðào (Lạng Giang)… có tình trạng lợn chết không được kiểm kê, không được chôn lấp theo đúng quy định.

Hơn một tháng nay, cứ từ 6 giờ sáng tới 7 giờ tối, lực lượng thú y viên của tỉnh căng mình hoạt động tại các trang trại và các khu chôn lấp tập trung, nhưng chưa hề nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy gia súc. Công tác phòng chống DTLCP tại Bắc Giang đang tồn tại nhiều bất cập. Ðội ngũ cán bộ thú y còn mỏng và sự hỗ trợ đối với người dân trực tiếp tham gia dập dịch chưa kịp thời.

Đến thời điểm này, ở khu vực Ðông Nam Bộ, nơi có đàn lợn lớn nhất cả nước, DTLCP đã xuất hiện tại Ðồng Nai, Bình Phước. Công tác phòng, chống dịch cho cả khu vực đang được các địa phương triển khai
quyết liệt.

Với tổng đàn khoảng hai triệu con, Ðồng Nai là địa phương có số lợn lớn nhất cả nước. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện năm ổ DTLCP. Bà Phan Thị Thùy Lan, xã Xuân Ðông, huyện Cẩm Mỹ (Ðồng Nai) cho biết sau khi dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh, gia đình đã khẩn trương rắc vôi bột chung quanh khu vực trại nuôi với tần suất hai ngày/lần; phun thuốc tiêu độc, khử trùng đúng theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh cũng chủ động phòng, chống dịch. Trang trại của ông Trần Văn Nam ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, có năm con lợn nái và 150 con lợn giống, cũng đang thường xuyên thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại, không cho người lạ, phương tiện vào khu chăn nuôi.

Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 250 trang trại chăn nuôi tập trung, tổng đàn gần 740 nghìn con lợn. Các chủ trang trại đang tập trung phòng dịch hết sức nghiêm ngặt, người và phương tiện ra, vào trang trại phải được sát khuẩn, tiêu độc, khử trùng. Anh Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trại nuôi lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam ở xã Phước Thiện, huyện Bù Ðốp cho biết, trang trại đang nuôi 2.370 con lợn. Trại đang triển khai các biện pháp cách ly 100%, sát trùng hai lần mỗi ngày, kiểm soát người và phương tiện ra, vào.

Theo ghi nhận, sau khi DTLCP xuất hiện ở Ðồng Nai, nhiều người nuôi trên địa bàn tỉnh vội vã xuất bán lợn dù trọng lượng thấp. Giá lợn hơi cũng giảm 10 nghìn đồng/kg so với cuối tháng 4, dao động khoảng 34 nghìn đến 36 nghìn đồng/kg. Dù vậy, người chăn nuôi hiện vẫn rất khó bán. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Ðồng Nai cho thấy, từ cuối tháng 3 đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 2,5 triệu con xuống còn khoảng 2 triệu con. Số lượng lợn giảm chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do lo sợ dịch bệnh nên ngưng nuôi, giảm đàn.

Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, cơ quan chức năng ở Ðồng Nai, Bình Phước đã thực hiện tiêu độc khử trùng với tần suất một ngày một lần tại các trại lợn xuất hiện dịch và vùng chung quanh ổ dịch trong phạm vi 3 km và vùng giám sát dịch bệnh trong phạm vi 10 km. UBND các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch (Ðồng Nai) đã lập nhiều chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm kiểm soát, ngăn chặn việc đưa lợn từ trong vùng dịch ra bên ngoài và ngược lại; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để tình trạng giết mổ trái phép; tiêu độc, khử trùng, bao vây ổ dịch; cấm giết mổ trên địa bàn các xã có dịch.

Giám đốc Sở NN và PTNT Ðồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, tỉnh đã thành lập 24 trạm kiểm dịch động vật hoạt động 24/24 giờ, bảo đảm kiểm soát toàn bộ lợn lưu thông trên địa bàn. Các trang trại chăn nuôi nằm trong vùng dịch nhưng đã được công nhận an toàn dịch bệnh, thì khi xuất bán, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra huyết thanh, nếu âm tính với DTLCP mới được bán ra thị trường.

Sau khi công bố DTLCP tại thị trấn Tân Phú và xã Tân Lập, vùng uy hiếp dịch là các xã Tân Tiến, Tân Hòa, Tân Lợi của huyện Ðồng Phú, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã triển khai các giải pháp và huy động nhân lực dập dịch.

DTLCP xuất hiện tại Ðồng Nai, địa bàn giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, tiềm ẩn nguy cơ cao xâm nhập vào thành phố. Bình quân mỗi ngày, thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu thụ hơn 10 nghìn con lợn, trong đó 80% nhập từ các tỉnh lân cận. Trước diễn biến dịch phức tạp, ngoài tăng cường lấy mẫu giám sát vi-rút bệnh tả lợn trên thịt lợn từ các tỉnh nhập vào thành phố tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối, TP Hồ Chí Minh thành lập thêm các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến cao tốc Dầu Giây – Long Thành – TP Hồ Chí Minh; khu vực cầu Phú Cường (giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương); tuyến quốc lộ 50 và tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương… để kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn ra, vào thành phố. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh Huỳnh Tấn Phát cho biết, Chi cục đã làm việc với các chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh lân cận để thống nhất một số biện pháp phối hợp chống dịch như giám sát chặt chẽ nguồn thịt lợn đưa về thành phố bảo đảm phải xuất phát từ khu vực không có dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch thể hiện nguồn gốc ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc ba cấp là xã, huyện, tỉnh.

Cùng với đó, thiết lập kênh trao đổi, cập nhật thường xuyên diễn biến dịch giữa lãnh đạo các chi cục nói riêng và lãnh đạo ngành nông nghiệp để phối hợp kiểm soát dịch bệnh.

Theo Nhandan