Thứ sáu,  20/09/2024

Chặn tôm hùm nước ngọt từ cửa khẩu

LSO-Trước tình hình tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam trong thời gian vừa qua, có nguy cơ xâm hại cho sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, nhập khẩu loại tôm này.


Tôm hùm nước ngọt hay còn gọi là tôm hùm đất

Vào ngày 25/5 vừa qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ gần 50 kg tôm hùm nước ngọt đang trên đường vận chuyển từ hướng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị về Hà Nội. Chủ xe khai nhận được thuê vận chuyển số tôm này với giá 100.000 đồng/thùng.

Với hơn 231 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lạng Sơn là một trong những tỉnh có nguy cơ xảy ra hiện tượng tôm hùm nước ngọt thẩm lậu với số lượng lớn qua biên giới vào nội địa.

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán tôm hùm nước ngọt, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát khu vực biên giới. Đặc biệt là lực lượng hải quan trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, khu vực đường mòn, lối mở.

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tôm hùm nước ngọt là loại sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại cao, không được phép kinh doanh, nuôi trồng tại Việt Nam. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu, đội kiểm soát hải quan về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tôm hùm nước ngọt; phối hợp với lực lượng biên phòng chốt chặt khu vực đường mòn biên giới, kiểm soát việc nhập lậu tôm hùm nước ngọt nhằm phát hiện để có biện pháp ngăn chặn.


Hải quan cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra hàng hoá XNK qua cửa khẩu

Hiện nay, tại các khu vực cửa khẩu, lực lượng chức năng đang tăng cường công tác chốt chặn 24/24 giờ các khu vực đường mòn, lối mở biên giới. Đồng thời kiểm soát kỹ hàng hóa lưu thông qua lại cửa khẩu.

Ông Nguyễn Quang Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam cho biết: Đơn vị thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công thương về danh mục hàng hóa được phép xuất nhập khẩu theo loại hình cư dân biên giới. Tôm hùm nước ngọt là mặt hàng cấm, do vậy, chi cục đã tăng cường kiểm soát chặt mặt hàng này khi dân cư biên giới đi lại qua cửa khẩu.

Trong khu vực nội địa, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường phối hợp với công an các huyện, thành phố, ngành chức năng tổ chức kiểm tra các chợ đầu mối và các cửa hàng chuyên bán hải sản tươi sống. Đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc kinh doanh, nuôi trồng loài thủy sinh ngoại lai nguy hiểm này.

Anh Nguyễn Văn Thắng, người dân xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng cho biết: Do công việc, tôi thường phải qua lại nước bạn nên thỉnh thoảng bạn bè tôi cũng nhờ mua tôm hùm nước ngọt về để ăn. Qua các phương tiện thông tin như báo, đài, mạng xã hội, tôi biết tác hại của loài tôm hùm nước ngọt này nên tôi cũng không bao giờ xách về dù là tôm sống hay tôm chín.

Cho đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn chưa phát hiện thêm vụ việc nào liên quan đến việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán tôm hùm nước ngọt. Tuy nhiên vẫn có tình trạng rao bán tôm hùm nước ngọt trên một số trang mạng xã hội theo hình thức đặt hàng. Đây cũng là khó khăn cho ngành chức năng trong việc kiểm soát, ngăn chặn việc đưa loại tôm này vào địa bàn.

Để ngăn chặn triệt để loài tôm hùm nước ngọt xâm nhập vào Việt Nam, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc kiểm soát nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của loài này thì cũng cần có biện pháp quản lý đối với hình thức bán hàng qua mạng xã hội, từ đó kiểm soát được những mặt hàng cấm, để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, kịp thời.

     Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, là loài động vật ăn tạp, có khả năng thích nghi cao với môi trường, nhanh chóng thiết lập quần thể ở nơi chúng xuất hiện. Các tác động của loài đến môi trường và đa dạng sinh học đã được ghi nhận trên thế giới gồm cạnh tranh môi trường sống, truyền bệnh cho các loài tôm bản địa, giảm quần thể thực vật thủy sinh, động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh; có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng; có khả năng đào hang gây thiệt hại cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp; có tác động đến ngành đánh bắt cá…

TRANG VÂN