Thứ sáu,  20/09/2024

Thách thức cho tăng trưởng hàng không

Thời gian gần đây, sự phát triển nhanh chóng của thị trường hàng không đã tạo cơ hội thuận lợi cho nhiều người dân được đi máy bay. Tuy nhiên, do tăng trưởng quá “nóng”, dẫn tới mặt trái của vấn đề chính là chậm, hủy chuyến, quá tải hạ tầng và nguồn nhân lực thiếu trầm trọng,… Đây là bài toán đang làm đau đầu các hãng hàng không và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Thách thức cho tăng trưởng hàng không

Hàng không đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn cục bộ, điển hình là sân bay Tân Sơn Nhất, dẫn đến tắc nghẽn ở các sân bay khác.

 

Chậm, hủy chuyến liên tiếp

Thời gian qua, tình trạng nhiều chuyến bay bị chậm, hủy chuyến khiến hành khách phải chờ đợi tại sân bay gây không ít bức xúc. Một số hành khách mua vé máy bay đã buộc phải bỏ ra số tiền lớn để mua vé bay giờ chót của các hãng hàng không khác nhằm kịp chuyến bay, giải quyết các công việc, kế hoạch chờ sẵn. Chưa kể, việc phản ứng khi sự cố xảy ra, như: thông báo quá gấp, hoặc chuẩn bị đến giờ khởi hành, hãng lại tiếp tục đổi giờ bay làm nhiều người trở tay không kịp, chậm trễ, không kịp thời giải thích nguyên nhân điều chỉnh thời gian khởi hành hàng loạt các chuyến bay… đã khiến nhiều hành khách càng thêm ngán ngẩm.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, trong trường hợp chậm, hủy chuyến, nếu hãng hàng không có đội tàu bay nhiều sẽ huy động tàu bay dự phòng cho sự cố bất ngờ, linh hoạt để bù trừ. Nếu hệ số quay vòng tàu bay lớn, trong điều kiện muốn tăng thêm chuyến bay hoặc khi có sự cố chậm hủy chuyến dây chuyền hàng loạt, hãng hàng không sẽ khó giải quyết nhanh chóng. Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm về chậm, hủy chuyến bay, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các chuyên gia giao thông đều bày tỏ, khi hoãn, hủy chuyến, tâm lý hành khách rất muốn được biết nguyên nhân dẫn đến việc này do khách quan hay chủ quan. Nếu chậm, hủy chuyến do chủ quan từ khâu tổ chức, điều hành bay, lỗi kỹ thuật không đáng có, bố trí nguồn nhân lực,… thì phải kiên quyết khắc phục. Tại cuộc khảo sát thực tế về sự chuẩn bị của các hãng hàng không nhằm hạn chế đến mức thấp nhất chậm hủy chuyến do Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) tổ chức, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết, không hãng bay nào muốn để xảy ra chậm, hủy chuyến bởi hễ chậm một phút, hãng thiệt hại khoảng 100 USD (2,3 triệu đồng) về chi phí. Không chỉ thiệt hại về tài chính, hãng hàng không còn bị giảm sút uy tín, trong khi hành khách bị ảnh hưởng về thời gian đi lại. Cục trưởng HKVN Đinh Việt Thắng cho biết, nguyên nhân chậm, hủy chuyến hiện nay chủ yếu do vấn đề khai thác của các hãng hàng không. Tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay của Việt Nam hiện khoảng 15%, không phải cao nếu so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, có một số chuyến bay bị chậm kéo dài, cách các hãng ứng xử với hành khách lại chưa chuyên nghiệp, gây ra bức xúc.

Áp lực hạ tầng

Để phát triển bền vững, đại diện một số hãng bay và cơ quan quản lý Nhà nước nhấn mạnh đến việc phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển. Nếu hãng bay không có nguồn nhân lực tốt, trong khi ngành hàng không đòi hỏi nhân lực chất lượng rất cao, sẽ khó đáp ứng tiêu chuẩn để phát triển bền vững. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Việt Nam được xếp vào một trong những nước phát triển hàng không cao nhất khu vực. Ít có ngành nào tác động đến tăng trưởng GDP mạnh mẽ như hàng không. Nếu hàng không tăng trưởng 1%, GDP tăng trưởng tương ứng từ 0,4-0,5%, trong khi thực tế thời gian qua, bình quân tăng trưởng hàng không nước ta đạt 14-15%, tương ứng 6,8-7% GDP. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường HKVN phát triển đứng thứ năm thế giới, đạt 150 triệu khách vào năm 2035. Hàng không đã trở thành phương tiện thông dụng cho mọi người dân, sự xuất hiện của hàng không tư nhân là yếu tố tạo nên sự năng động của thị trường. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) nhận định, Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý đủ rộng để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng, bởi điều đáng nói nhất của thị trường vận tải HKVN thời gian qua là sự cạnh tranh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tăng trưởng hàng không cũng đặt ra thách thức về quá tải hạ tầng, sân đỗ, an ninh an toàn các chuyến bay, sự cạnh tranh của các hãng hàng không, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu,… Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Với nhu cầu lớn như vậy, sự ra đời của các hãng bay tư nhân là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân. Thị trường hàng không cũng đang chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng, nửa cuối năm 2018, tăng trưởng hàng không nội địa đạt 9%, quý I vừa qua giảm xuống chưa đến 7%. Nguyên nhân sự sụt giảm thị phần tăng trưởng trong nước được cho rằng do quá tải hạ tầng, lượng khách đi máy bay đã đạt giới hạn. Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng HKVN Lại Xuân Thanh cho biết, hàng không đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn cục bộ. Điển hình là sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi sân bay Long Thành phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành. Chưa kể các sân bay Cam Ranh, Đà Nẵng,… cũng đang dần trở nên quá tải. Việc ùn tắc ở Tân Sơn Nhất là nguyên nhân chính dẫn đến tắc nghẽn ở các sân bay khác, dù chủ trương giảm tải cho sân bay này đã có nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chủ đầu tư… Việc đầu tư hạ tầng không thể giải quyết nhanh chóng trong ngày một, ngày hai, cho nên cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng sân bay nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng hàng không.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm 2018, Bộ đã hoàn thành quy hoạch lại 22 sân bay trong cả nước, hướng tới tầm nhìn dài hạn cho vấn đề này, tránh tình trạng chắp vá, vừa xây xong đã quá tải. Cùng với đó cơ quan quản lý Nhà nước cần xác định quy hoạch phát triển hàng không bảo đảm đồng bộ tốc độ phát triển của tất cả yếu tố tương đồng nhau, gồm phát triển quy mô đội tàu bay phù hợp tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao như phi công kỹ sư, năng lực quản lý, giám sát nhà chức trách để ngành hàng không phát triển bền vững, bảo đảm an toàn tuyệt đối việc khai thác.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải có báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không trước tình trạng thiếu nhân lực, cản trở sự phát triển của ngành; báo cáo Thủ tướng trong tháng 6 này. Chỉ đạo của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh hàng không trong nước tăng trưởng liên tục nhiều năm gần đây, cùng với thị trường đón nhận thêm những hãng bay mới, đang khiến nguồn nhân lực trong ngành căng thẳng, nhất là vị trí phi công, kỹ thuật viên tàu bay.

Theo Nhandan