Thứ sáu,  20/09/2024

Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai ở cơ sở

LSO- Theo thống kê của Thanh tra tỉnh, từ năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 3.000 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi; san lấp đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái phép. Để tình trạng này xảy ra, nguyên nhân chính là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. Việc thiếu kiểm tra, giám sát khiến gia tăng những trường hợp vi phạm mới, trong khi những vi phạm cũ chưa xử lý được.


Tự ý san lấp đất đồi tại xã Tân Văn, huyện Bình Gia

Nhiều sai phạm

Khu đất Thùng Cải – Cóc Hóp, thôn Bản Duộc, xã Hòa Bình, huyện Bình Gia là khu đất rừng, trước năm 2015 chưa giao chủ thể quản lý. Tuy nhiên, đến năm 2015, một số hộ trú tại xã Long Đống, huyện Bắc Sơn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi tiếp nhận đơn của một số hộ dân ở thôn Bản Duộc phản ánh về vấn đề này, cơ quan thanh tra của huyện Bình Gia vào cuộc và phát hiện sai phạm.

Cụ thể, từ tháng 5/2012, một số cá nhân ở xã Long Đống, huyện Bắc Sơn viết đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên những thửa đất ở khu vực Thùng Cải – Cóc Hóp. Đến tháng 12/2014, UBND xã Hòa Bình lập tờ trình về việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Trên cơ sở đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Hòa Bình và Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Gia, UBND huyện Bình Gia đã ban hành Quyết định số 2897/QĐ-UBND về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất tại khu vực Thùng Cải – Cóc Hóp cho 6 hộ trú tại xã Long Đống, huyện Bắc Sơn (cấp 7 giấy chứng nhận, tổng số 9 thửa đất với diện tích 1.633.825 m2).

Theo kết luận của Thanh tra huyện Bình Gia, việc thực hiện thủ tục lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực Thùng Cải – Cóc Hóp không đúng trình tự, quy định. Một số thông tin trong đơn của các cá nhân không đúng với thực tế; diện tích xin cấp vượt hạn mức quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Hòa Bình vẫn ký và đóng dấu xác nhận đơn là việc làm trái quy định. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, viên chức Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của huyện không đi đo và kiểm tra nhưng vẫn ký xác nhận là người đo đạc và người kiểm tra vào đơn xác nhận.

Chính sự buông lỏng quản lý, sự thiếu trách nhiệm của cán bộ địa chính xã, lãnh đạo xã Hòa Bình, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của huyện Bình Gia đã khiến việc ban hành Quyết định số 2897 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại khu vực Thùng Cải – Cóc Hóp chưa đúng quy định. Hiện nay, UBND huyện Bình Gia đang thực hiện các thủ tục để ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp theo Quyết định số 2897.

Ngoài Bình Gia, tại một số huyện, thành phố, tình trạng buông lỏng quản lý đất đai ở cơ sở còn diễn ra phức tạp khi để xảy ra hiện tượng san lấp đất trái phép với diện tích lớn và tình trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi. Theo thống kê tại 8 huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016 đến tháng 6/2019), cơ quan chức năng đã phát hiện gần 3.000 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi, san lấp đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái phép. Trong đó, tình trạng vi phạm nhiều nhất diễn ra tại các huyện: Cao Lộc và Hữu Lũng.

Phải xử lý dứt điểm

Ông Lương Trương Đạt, Bí thư Huyện ủy Bình Gia cho biết: Sự việc xảy ra trên địa bàn xã Hòa Bình là một bài học trong quản lý đất đai, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác quản lý đất đai, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền ở cơ sở. Đồng thời, huyện đang triển khai các giải pháp nâng cao hiểu biết pháp luật về đất đai cho cán bộ địa chính và lãnh đạo chính quyền cấp xã.

Trên thực tế và trước những sai phạm về đất đai liên tiếp xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể. Phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (mở rộng) vào ngày 2/7/2019, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: UBND các huyện, thành phố cần phải nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, san lấp đất đồi, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và các vi phạm khác về đất đai.

Theo đó, các huyện phải tăng cường theo dõi, đôn đốc, nắm bắt tình hình diễn biến trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại huyện mình; triển khai các biện pháp để chấn chỉnh và tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc sử dụng đối với các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp, nhất là các loại đất rừng, tránh việc xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Các huyện và thành phố cũng cần công khai quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia, giám sát việc quản lý sử dụng nguồn tài nguyên đất. Cùng với đó là tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác địa chính, tài nguyên và môi trường. Đồng thời, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, xây dựng.

Đặc biệt, thời điểm này, UBND các huyện và thành phố có những vi phạm về đất đai còn tồn đọng chưa xử lý cần phải tiến hành rà soát, xem xét để xử lý dứt điểm, không để vi phạm tồn tại, kéo dài.

 TRANG NINH – LƯU VŨ