Thứ tư,  18/09/2024

Hữu Lũng: Khó xử lý bệnh đốm nâu, đốm tím, cháy lá trên cây bạch đàn

(LSO) – Hiện nay, nhiều diện tích cây bạch đàn trên địa bàn huyện Hữu Lũng bị bệnh đốm nâu, đốm tím, cháy lá khiến cây bị khô, lá rụng, chậm phát triển, có cây bị chết. Việc chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh khiến cho công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn.

Những ngày đầu tháng 10/2019, chúng tôi đến thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, nhiều đồi rừng đã được trồng cây bạch đàn, keo phủ kín. Trên khu đồi trồng bạch đàn, bà Nguyễn Thị Hạnh đang tỷ mẩn kiểm tra kỹ từng cây, bà cho biết: Gia đình tôi có khoảng 1,5 ha rừng bạch đàn. Qua kiểm tra, tôi phát hiện trên cây bạch đàn xảy ra hiện tượng đốm nâu trên lá, đen thui ngọn, chết lá, cành khô. Những cây bị nặng thì khô toàn bộ cây và chết, cây bị nhẹ thì chậm phát triển.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và người dân kiểm tra hiện tượng bạch đàn bị đốm nâu, đốm tím tại thôn Cã Trong, xã Minh Sơn

Theo bà Hạnh, việc phòng trừ rất khó, bởi khi mới mua giống về trồng, cây giống khỏe, xanh tốt. Cây có các hiện tượng như trên xuất hiện từ năm thứ 2 sau khi trồng và có biểu hiện rõ nhất vào thời điểm từ tháng 8 đến tháng 3 dương lịch. Việc phun diệt trừ không thực hiện được do cây cao, địa hình dốc. “Hiện tôi đang cố chăm sóc cây bạch đàn thêm từ 1 đến 2 năm tới để bán cho người có nhu cầu làm cây chống, như bây giờ thì chỉ bán để làm củi đốt vì cây còn quá nhỏ, giá bán rất thấp”- bà Hạnh cho biết.

Tình trạng trên diễn ra không chỉ ở rừng bạch đàn của gia đình bà Hạnh mà diễn ra ở nhiều nơi khác. Tại Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc (thuộc địa bàn huyện), nhiều diện tích cây bạch đàn có hiện tượng như trên. Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc công ty cho biết: Công ty có khoảng 1.700 ha cây bạch đàn. Tình trạng cây có hiện tượng vàng lá, khô lá, khô cây (biểu hiện bệnh đốm nâu) diễn ra từ 2 đến 3 năm trở lại đây. Diện tích nhiễm ngày càng nhiều, hiện nay có khoảng 80% tổng diện tích cây bạch đàn bị hiện tượng bệnh đốm nâu. Vào mùa đông, tình trạng trên diễn ra mạnh hơn. Khi cây bị bệnh sẽ chậm phát triển, năng suất giảm. Đối với cây 6 năm tuổi, nếu phát triển bình thường sẽ cho thu từ 100 m3 gỗ đến 120 m3 gỗ/ha; nếu cây bị bệnh, năng suất giảm còn từ 50 m3 gỗ đến 60 m3 gỗ/ha.

Theo ông Trọng, hiện tượng bệnh trên nghi do một chủng loại nấm gây nên và lây lan từ cây này sang cây khác. Vì vậy, diện tích nhiễm ngày càng tăng. Để khắc phục tình trạng trên, công ty khuyến cáo người dân chuyển đổi trồng luân canh cây bạch đàn sang trồng cây keo. Tuy vậy, việc chuyển đổi cây trồng rất chậm, việc phun phòng trừ bệnh không thực hiện được do địa hình đồi dốc.

Qua tìm hiểu, hiện tượng cây bạch đàn như trên đã xuất hiện trên địa bàn từ khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích nhiễm ngày càng tăng. Những diện tích bị nhiễm chủ yếu thuộc các giống bạch đàn cũ, trồng liên tục trong nhiều năm như các giống: PN12, PN14, PN 16,… Ngoài ra, việc chăm sóc không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng dẫn đến sức chống chịu bệnh của cây kém.

Ông Dương Mạnh Hùng, cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hữu Lũng cho biết: Toàn huyện có khoảng 13.000 ha cây bạch đàn, tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Trước hiện tượng bệnh trên cây bạch đàn, trung tâm đã lấy mẫu gửi Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân, tuy vậy, đến thời điểm này, chưa có kết quả. Qua điều tra chưa đầy đủ, hiện nay xác định có 44 ha bạch đàn bị bệnh đốm tím, đốm nâu, cháy lá, tỷ lệ hại trung bình từ 4,9% đến 7,6%/lá, nơi cao từ 15% đến 20%/lá.

Trước thực trạng trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện ra thông báo khuyến cáo người dân trồng các giống kháng bệnh, giống sạch bệnh, nguồn gốc rõ ràng; bón phân cân đối, hợp lý, tạo điều kiện cho cây bạch đàn sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu bệnh; luân canh cây trồng, trong đó, trồng hai chu kỳ bạch đàn, một chu kỳ keo;…

Như vậy, việc chưa xác định rõ ràng nguyên nhân bạch đàn bị bệnh đốm nâu, đốm tím, cháy lá, dẫn đến việc phòng trừ gặp khó khăn. Cùng với đó, nếu sử dụng biện pháp phun thuốc hóa học thì cũng rất khó, bởi địa hình dốc, cây cao nên việc phun khó thực hiện. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sớm khắc phục tình trạng trên.

ĐỖ HOẠT