Thứ sáu,  20/09/2024

Tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp

(LSO) – Tháng 5/2019, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn nhằm nâng cao trách nhiệm và đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý vật liệu nổ.

Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 42 tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Trong đó, có 37 cơ sở sử dụng trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản và 5 cơ sở sử dụng trong việc thi công công trình. Theo báo cáo của các đơn vị, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2019, đã sử dụng khoảng 900 tấn thuốc nổ các loại trong quá trình hoạt động.

Với số cơ sở cũng như lượng thuốc nổ sử dụng lớn, việc quản lý, kiểm tra để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động tại các cơ sở cũng không đơn giản. Thực tế những năm trước đây, trong quá trình sử dụng vận liệu nổ để khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng lân cận. Mặc dù các cơ quan nhà nước đã chủ động trong quản lý hoạt động liên quan đến vật liệu nổ nhưng đôi khi còn chồng chéo giữa các cấp, ngành dẫn đến hiệu quả không cao. Do vậy, ngày 31/5/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất nổ trên địa bàn tỉnh.

Kho thuốc nổ của Công ty Cổ phần Đá Đồng Mỏ được niêm phong theo quy định

Quyết định quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp như: Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố, xã, phường và cá nhân, tổ chức liên quan đến công tác quản lý vật liệu nổ. Trong đó, Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn đầu mối, chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Quy chế được ban hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong quá trình quản lý vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh. Mỗi đơn vị đã được quy định nhiệm vụ rõ ràng, chi tiết, từ đó, quá trình kiểm tra, quản lý nhịp nhàng, không còn chồng chéo. Đồng thời, công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ được các đơn vị chủ động thực hiện, tạo quy trình khép kín, chặt chẽ với đầu mối là Sở Công Thương.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Công Thương đã chủ trì đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc chấp hành quy định, trong khai thác khoáng sản tại 38 doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra quy trình sử dụng vật liệu nổ. Kết quả đánh giá, không có cơ sở nào để xảy ra tại nạn, sự cố nghiêm trọng liên quan đến vật liệu nổ. Các cơ sở đã ý thức được việc bảo quản cũng như đảm bảo quy trình khi sự dụng vật liệu nổ.

Như tại Công ty Cổ phần Đá Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng với trữ lượng kho chứa 7 tấn thuốc nổ, công ty luôn duy trì bảo vệ trực 24/24 giờ. Ông Phan Tống Hưng, Thủ kho vật liệu nổ của công ty cho biết: Hằng năm, tất cả cán bộ có nhiệm vụ liên quan đến vật liệu nổ của công ty đều phải đi tập huấn về kỹ thuật, quy định quản lý, sử dụng vật liệu nổ do Sở Công Thương tổ chức. Những người đủ điều kiện được cấp chứng chỉ mới được phép tham gia các phần việc liên quan đến vật liệu nổ. Quá trình cấp, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ vào khai thác của công ty đều đảm bảo đúng quy định của Bộ Công thương.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2019, Sở Công thương tiếp tục thành lập đoàn công tác liên ngành theo quy định của UBND tỉnh để kiểm tra, kiểm soát hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ và kết hợp với tuyên truyền nâng cao ý thức cho người lao động để có thể giảm thiểu tai nạn đáng tiếc xảy ra trên địa bàn, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các cơ sở.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 kho cung ứng vật liệu nổ với trữ lượng 110 tấn gồm: kho của Chi nhánh Công nghiệp hóa chất mỏ Lạng Sơn tại huyện Lộc Bình trữ lượng 70 tấn; kho của Tổng Công ty Kỹ thuật quốc phòng tại huyện Hữu Lũng trữ lượng 20 tấn; kho của Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bàng tại huyện Chi Lăng trữ lượng 20 tấn.

 

ANH DŨNG