Thứ sáu,  20/09/2024

Gỡ khó trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp

(LSO) – Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Để duy trì hoạt động sản xuất, chính quyền tỉnh, các ngành chức năng đã chủ động triển khai các giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động.

   Doanh nghiệp lao đao

Theo khảo sát của Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của dịch Covid-19 với các mức độ khác nhau. Trong đó, thiếu nguyên liệu đầu vào và sụt giảm thị trường đầu ra là khó khăn chính.

Đơn cử như Công ty TNHH MTV Xe điện ĐK Việt Nhật Lạng Sơn (ĐK Bike Lạng Sơn), hiện tại vẫn chưa thể tổ chức sản xuất do không nhập được linh kiện từ nước ngoài, doanh số bán hàng giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019. Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa thể xây dựng được kế hoạch sản xuất năm 2020 và dự báo hiệu quả kinh doanh năm nay sẽ sụt giảm mạnh kể cả khi kết thúc dịch bệnh”.

Chuẩn bị nhiên liệu sản xuất tại Nhà máy xi măng Hồng Phong

Ngược lại, mặc dù ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhưng Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành lại khó về đầu ra cho sản phẩm. Ông Phạm Văn Giang, Giám đốc công ty cho biết: Từ khi dịch Covid -19 bùng phát, thị trường nội địa của công ty sụt giảm 50%, xuất khẩu cũng giảm đến 70% do khó khăn trong việc xuất khẩu hàng qua cửa khẩu cảng”.

Khó khăn của doanh nghiệp dẫn đến sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt thấp, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Như sản lượng xi măng là 176 ngàn tấn, chỉ đạt 16,3% so với kế hoạch, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2019; bột đá mài 1.498 tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019…

   Tập trung gỡ khó

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, triển khai các giải pháp để tháo gỡ một phần khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển lĩnh vực công nghiệp.

Một mặt, tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư cho những dự án lớn đã được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội. Đồng thời, các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu triển khai các biện pháp, xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc xuất nhập khẩu với Trung Quốc; cải tiến quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi; linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã khảo sát, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành chức năng từng bước tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đến nay, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bắt đầu được thông quan vào nội địa, một số doanh nghiệp đã sẵn sàng kế hoạch sản xuất trong tháng 4/2020. Cùng với đó, sở tiếp tục kết nối với ngành công thương cả nước, cùng doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra sản phẩm.

Cùng với các giải pháp chung theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu các khoản vay, ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp. Tính đến ngày 15/3/2020, đã có hơn 300 tỷ đồng dư nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được các ngân hàng thương mại cơ cấu hỗ trợ, miễn, giảm lãi vay. Đồng thời, UBND tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng không tăng giá dịch vụ, giá cước vận tải, giá vật tư để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2020 trên địa bàn tỉnh ước tăng 5,64%, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,19%, khai khoáng tăng 3,23%, sản xuất và phân phối điện tăng 11,12%, cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 8,76%.

ANH DŨNG