Thứ sáu,  20/09/2024

Hữu Lũng: Khai thác tiềm năng kinh tế từ hồ thủy lợi

(LSO) – Cùng với chức năng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện nay, nhiều hồ, đập trên địa bàn huyện Hữu Lũng được sử dụng để phát triển nuôi trồng thủy sản và kinh doanh một số dịch vụ, góp phần khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của các công trình thủy lợi.

Mỗi dịp cuối tuần, anh Hoàng Duy Hậu, thôn Đồng Heo, xã Đồng Tân thường đến câu cá tại hồ Vườn Vang (nay thuộc thôn Ngọc Thành, xã Đồng Tân). Anh cho biết: Vốn có sở thích câu cá nên từ khi có dịch vụ này, chúng tôi đã thường xuyên đến hồ câu. Tại hồ có nhiều mức giá vé khác nhau nhưng thông dụng nhất là vé ngày, giá 300.000 đồng/1 ca (6 tiếng đồng hồ). Có ngày câu được ít, có ngày câu được nhiều nhưng đến đây, chúng tôi được thỏa mãn đam mê, sở thích của mình.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ câu cá tại hồ Vườn Vang cho biết: Học tập mô hình từ một số hồ câu trên địa bàn huyện, năm 2019, chúng tôi đã đăng ký với chính quyền địa phương thực hiện mô hình hồ câu Làng Ngóc (hồ Vườn Vang). Theo đó, chúng tôi đã niêm yết quy định, công khai các giá vé đồng thời cam kết đảm bảo môi trường sinh thái lòng hồ. Mỗi tuần, chúng tôi thả từ 200 kg đến 300 kg cá chép, cá trắm cỏ phục vụ khách câu. Trung bình, mỗi tuần có khoảng 150 lượt khách đến câu, chủ yếu tập trung vào các ngày cuối tuần.

Người dân thôn Rãy, xã Quyết Thắng kiểm tra lưới chắn cá trong lòng đập Lân Vằn

Hiện nay, dịch vụ câu cá phát triển mạnh tại hầu khắp các hồ chứa trên địa bàn huyện. Cùng với dịch vụ câu cá, một số hồ, đập được sử dụng để phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Trong số đó có khu danh lam thắng cảnh đập Lân Vằn thuộc thôn Rãy, xã Quyết Thắng.

Đây là vùng non nước hữu tình, nơi có hồ nước mênh mông được bao phủ bởi các dãy núi đá vôi. Du khách đến đây có thể tham quan hồ nước, hang động, câu cá, cắm trại…. Anh Lương Văn Hoàng, chủ cơ sở kinh doanh tại đây cho biết: Được sự cho phép của chính quyền địa phương, gia đình đã nuôi 5 lồng cá, đồng thời mở cửa hàng tạp hóa phục vụ du khách đến tham quan. Khách thường tập trung đông vào những ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ, có khách trong tỉnh và khách đến từ các tỉnh, thành khác như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở thêm dịch vụ câu cá, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất để đăng ký mở thêm một số dịch vụ khác.

Tương tự đập Lân Vằn, hồ Pắc Mỏ thuộc xã Hữu Liên cũng hứa hẹn trở thành điểm đến của nhiều du khách thời gian tới. Được biết, hiện Công ty Cổ phần Du lịch Nối vòng tay (Hà Nội) đã đầu tư xây dựng khu lưu trú và du lịch sinh thái tại Hữu Liên, trong đó có khai thác mặt hồ để phát triển một số dịch vụ.

Trên địa bàn huyện Hữu Lũng có 140 hồ, đập, trong đó có 35 hồ, đập lớn. Đây là nguồn tài sản quý giá cần quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả. Thời gian qua, nhiều hồ, đập đã được quan tâm sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng. Các hồ, đập trên địa bàn huyện phân bố rộng khắp, trong đó có nhiều hồ, đập có vị trí giao thông thuận lợi, có phong cảnh hữu tình, môi trường sinh thái đa dạng, khí hậu trong lành, thuận lợi để phát triển nhiều loại hình dịch vụ như: hồ Cai Điển (xã Tân Thành), hồ Cốc Lùng (xã Hòa Thắng), hồ Pắc Mỏ (xã Hữu Liên)…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác các công trình thủy lợi huyện Hữu Lũng (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn) cho biết: Hiện nay, chức năng chính của các hồ chứa, đập dâng trên địa bàn là điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp. Với nguồn dự trữ nước dồi dào và cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều công trình có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thủy sản và phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Thời gian tới, công ty luôn sẵn sàng phối hợp với chính quyền và các nhà đầu tư để xem xét mô hình du lịch sinh thái, đặc biệt là khai thác tiềm năng kinh tế từ hệ thống hồ, đập thuỷ lợi, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

PHƯƠNG DUNG