Thứ sáu,  20/09/2024

Văn Quan nâng cao giá trị cây hồi

(LSO) – Văn Quan là huyện có diện tích cây hồi lớn nhất tỉnh với khoảng 14.000 ha. Thời gian qua, huyện tập trung các giải pháp như: phát triển hồi hữu cơ, sơ chế, mở rộng thị trường tiêu thụ… Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế từ cây hồi cho người dân.

   Cải tạo, nâng cao chất lượng cây hồi

Những ngày đầu tháng 8/2020, chúng tôi đến xã Liên Hội, qua quan sát, nhiều cánh rừng hồi xanh tốt, được phát quang cỏ, cây dại thoáng sạch. Theo bà Nguyễn Thị Hoan, thôn Khòn Cải, gia đình có khoảng 3 ha hồi được trồng đã lâu năm, hơn nữa việc chăm sóc không thường xuyên. Vì vậy, nhiều diện tích hồi bắt đầu thoái hóa, cho năng suất thấp. Năm 2018, thực hiện đề án phát triển hồi hữu cơ của huyện, bà Hoan được hỗ trợ phân bón, thang trèo hồi để phát triển hồi theo hướng sản xuất hữu cơ.

Bà Hoan cho biết: Năm 2018, tôi bắt đầu trồng hồi theo hướng sản xuất hữu cơ, đến nay, cây hồi phát triển xanh tốt hơn, nhiều cây tạp dưới gốc hồi được phát dọn, hạn chế sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, cây hồi sản xuất theo hướng hữu cơ có tỉ lệ đậu hoa cao hơn từ 15% đến 20% so với trước. Năm 2019, tôi thu trên 2 tấn hồi, tăng khoảng 15% so với năm 2018.

Người dân xã Liên Hội sản xuất hồi hữu cơ

Không chỉ gia đình bà Hoan, nhiều gia đình khác trong xã phát triển hồi theo hướng sản xuất hữu cơ, tức là đã có sự chăm sóc, bón phân, cắt tỉa theo kỹ thuật. Hiện nay, toàn xã Liên Hội có trên 400 ha hồi. Trong đó có gần 60 ha hồi phát triển theo hướng sản xuất hồi hữu cơ.

Ông Lương Thế Cường, Chủ tịch UBND xã Liên Hội cho biết: Sản lượng hồi bình quân trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn đạt 1.200 tấn/năm. Hiện nay, xã đang tiếp tục vận động người dân chủ động phát triển hồi theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra,  xã cũng đang phát triển 3,68 ha rừng hồi mẫu tại thôn Khòn Cải, là mô hình được chăm sóc áp dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả, để từ đó nhân rộng trên địa bàn.

Diện tích trồng hồi trên địa bàn huyện Văn Quan khoảng 14.000 ha, diện tích cho quả hơn 11.000 ha, sản lượng đạt từ 26 đến 30 nghìn tấn (hồi tươi)/năm, và được trồng tại các xã như: Yên Phúc, Bình Phúc, Tân Đoàn, Tràng Phái, Liên Hội, An Sơn… Để phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng hồi trên địa bàn, UBND huyện ban hành Đề án cải tạo nâng cao chất lượng, sản lượng cây hồi giai đoạn 2016 – 2020 với kinh phí trên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, chương trình 30a, các xã đầu tư vào cải tạo, phát triển cây hồi theo hướng sản xuất hồi hữu cơ… Qua đó, hiện nay, toàn huyện phát triển được trên 300 ha hồi hữu cơ; sản lượng hồi khô tăng từ 8,1 nghìn tấn (năm 2015) lên trên 10 nghìn tấn (năm 2019).

   Mở rộng thị trường

Song song với nâng cao chất lượng hồi, việc sơ chế, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ được chú trọng. Thời gian qua, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hồi. Qua đó, nhiều tư thương trên địa bàn đầu tư nhà xưởng, lò sấy để chế biến hồi khô xuất khẩu. Theo bà Chu Thị Hạnh – thương lái thu mua hồi, phố Điềm He 2 (xã Điềm He), để nâng cao giá trị hồi, trong 5 năm trở lại đây, bà đi nhiều nơi, tham dự nhiều diễn đàn, hội thảo xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ hồi ra thị trường các nước. Vì vậy, ngoài thị trường Trung Quốc, những năm gần đây, bà đã ký kết hợp đồng xuất khẩu hồi sang các nước, khu vực khác như: Ấn Độ, Trung Đông… Cùng với đó, năm 2017, bà Hạnh đầu tư lò sấy hồi bằng hơi – tăng công suất lên hơn 10 lần so với phơi sấy thủ công. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm, bà Hạnh thu mua, xuất khẩu trên 100 tấn hồi.

Không chỉ bà Hạnh, trên địa bàn huyện hiện có trên 20 cơ sở chế biến, xuất khẩu hồi. Trong đó có những cơ sở chế biến xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như cơ sở của ông Linh Văn Kha, thôn Chợ Bãi 2 (xã Yên Phúc), xuất khẩu hồi đi các nước: Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu.

Với việc nâng cao chất lượng cây hồi, mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm hồi tăng cao, như năm 2019, giá hồi tươi đạt từ 22.000 đồng/kg đến 24.000 đồng/kg thì hiện nay đạt từ 35.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg.

Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để nâng cao giá trị cây hồi, thời gian tới, huyện tiếp tục các giải pháp. Trong đó, huy động mọi nguồn lực trong phát triển sản xuất, hỗ trợ về cây giống, vật tư phân bón cho các mô hình, các chương trình mục tiêu phát triển; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, tuyên truyền quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, khuyến khích phát triển mô hình doanh nghiệp hợp tác với nông dân để đầu tư sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.

DUY PHÁT - TÂN AN