Thứ sáu,  20/09/2024

Liên kết sản xuất: Hướng đi hiệu quả của HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát

– Sau hơn 3 năm thành lập, HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát (xã Chí Minh, huyện Tràng Định) đã khẳng định được hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía và cây dược liệu cà gai leo trên địa bàn.

Trong những năm qua, nhiều hộ dân tại xã Chí Minh đã đưa cây mía vào trồng trên diện tích đất kém hiệu quả, đem lại thu nhập gấp 2 đến 3 lần so với trồng ngô, trồng sắn. Đây cũng là xã trồng nhiều mía nhất tại huyện Tràng Định. Tuy nhiên, giá mía vẫn bấp bênh, đầu ra cũng chưa thực sự ổn định, vì vậy, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trên địa bàn, từ đầu năm 2018, HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát được thành lập và đi vào hoạt động, với 7 thành viên. HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cây mía. Theo đó, HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng để bao tiêu sản phẩm của HTX với diện tích hàng năm trên 20 ha, giá mía mà công ty thu mua là 1.000 đồng/kg.

Người dân xã Chí Minh, huyện Tràng Định thu hoạch mía

Bà Nông Thị Hiệu, Giám đốc HTX cho biết: Mía là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, sản lượng đạt cao. Cây mía cho lưu gốc, vì vậy trồng một lần có thể cho thu hoạch 3 năm mới phải trồng lại. Chỉ riêng trong năm 2020, HTX đã có trên 22 ha mía, khi thu hoạch, năng suất đạt 70 tấn/ha và được công ty thu mua toàn bộ sản phẩm. Việc tham gia HTX để sản xuất tập trung, sản phẩm làm ra có hợp đồng tiêu thụ với nhà máy chế biến nên bà con yên tâm sản xuất hơn.

Bên cạnh việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất đối với cây mía, từ tháng 4/2020, HTX đã triển khai trồng 5 ha cây dược liệu cà gai leo tại xã Quốc Khánh theo mô hình chuỗi liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm. HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long (Hà Nội), với giá công ty thu mua là 25 nghìn đồng/kg cây cà gai leo khô, vì vậy HTX không lo về đầu ra cho sản phẩm.

Cây cà gai leo sau hơn 6 tháng chăm sóc, đến tháng 11/2020, cây bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên đạt 6 tấn, đem lại doanh thu hơn 130 triệu đồng. Riêng đối với loại cây này, một năm có thể cho thu hoạch 3 đợt, trong đó đợt 2 và đợt 3 sẽ cho sản lượng đạt cao hơn, đem lại giá trị kinh tế cao.

Nhờ hình thành liên kết chuỗi giá trị đã đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên HTX.  Trong năm 2020, tổng doanh thu đem lại cho HTX đạt hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ trồng mía đạt hơn 1,8 tỷ đồng, từ cây cà gai leo đạt hơn 130 triệu đồng (vụ đầu), tạo thu nhập ổn định cho các thành viên bình quân trên 40 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, bà Nông Thị Hiệu, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát cho biết: HTX sẽ tiếp tục đầu tư để áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây mía, cây cà gai leo đã trồng và triển khai trồng thêm 1ha cây dược liệu cà gai leo để  nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát là một điểm sáng về hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Việc hình thành liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp không chỉ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, bớt nỗi lo được mùa mất giá, được giá mất mùa mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX cũng như các lao động tại địa phương.

Có thể thấy, việc liên kết theo chuỗi giá trị góp phần quan trọng để đảm bảo sự bền vững, nâng cao được hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Hy vọng rằng, trên địa bàn huyện Tràng Định nói riêng toàn tỉnh nói chung sẽ ngày càng có thêm nhiều liên kết chuỗi sản xuất trong nông nghiệp được hình thành để đảm bảo sản xuất bền vững.

CẨM HÀ