Thứ sáu,  20/09/2024

Sản xuất công nghiệp: Nỗ lực vượt khó

– Trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để việc sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp phù hợp để thích ứng với tình hình.

Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 5/2021 gặp nhiều bất lợi do chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (cuối tháng 4/2021). Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp đã thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, lựa chọn những phương án tối ưu để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Lắp ráp xe máy điện tại Công ty TNHH MTV DK Việt Nhật.  Ảnh: BÙI DŨNG

Công ty TNHH Thành Long hoạt động lĩnh vực chế biến thực phẩm (sản xuất bánh, kẹo), phần lớn sản lượng bánh, kẹo của công ty xuất khẩu sang thị trường các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan… Trong tháng 4/2021, dịch Covid-19 đã bùng phát tại các nước này, việc xuất khẩu vì thế gặp nhiều khó khăn. Để thích ứng, ban giám đốc công ty chuyển đổi hướng kinh doanh. Theo đó, công ty tập trung vào thị trường trong nước; tích cực thăm dò thị trường, thị hiếu người tiêu dùng trong nước để cho ra sản phẩm mới. Cùng đó, công ty tổ chức lại khâu sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.

Bà Đào Thị Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Long cho biết: Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, nhưng trước khó khăn này, ban giám đốc đã cố gắng tìm kiếm nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó, công ty chủ động quảng bá hình ảnh các sản phẩm bánh, kẹo qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube… Với nỗ lực này, đơn hàng trong nước đặt công ty trong nửa đầu tháng 5/2021 tăng khoảng 61% so với thời điểm tháng 3/2021 (trước đó, đơn hàng của công ty chủ yếu xuất khẩu). Chính điều này đã giúp sản xuất của công ty vẫn đảm bảo ổn định.

Còn đối với Công ty TNHH Long Tân (địa chỉ tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, chuyên sản xuất hóa chất, sản phẩm plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh), tại thời điểm này, bên cạnh thúc đẩy tiêu thụ trong nước, ban giám đốc công ty tiếp tục tìm đơn hàng tại một số nước khác. Bà Lê Thị Dung, Giám đốc công ty chia sẻ: Sản phẩm của công ty ở dạng nguyên sinh, do vậy, định hướng phát triển của công ty là phải chủ động đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt trong giai đoạn này, công ty đã nghiên cứu thị trường, tìm bạn hàng tại các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cụ thể như trung tuần tháng 5 này, công ty đã ký được một đơn hàng cung cấp sản phẩm cao su tổng hợp đến hết năm 2021, trị giá đơn hàng gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, để đảm bảo chất lượng nguồn hàng xuất khẩu, công ty sẽ tiếp tục đầu tư máy móc sản xuất hiện đại, thực hiện tự động hóa trong sản xuất, qua đó, nâng cao chất lượng và sản lượng thành phẩm sản xuất.

Sản xuất gạch tại Công ty Cổ phần Sản xuất gạch Phú Lộc

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, các doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực công nghiệp ở các nhóm ngành khác cũng chủ động thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, những doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khai khoáng, chế tạo, chế biến bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 thì vào thời điểm này đều có những giải pháp ứng phó linh hoạt. Các công ty đều chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, chú trọng ứng dụng máy móc công nghệ cao vào sản xuất để giảm thiểu chi phí. Đặc  biệt, những công ty ở nhóm ngành chế tạo cần phải dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, thì nay đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế, qua đó, giúp quá trình sản xuất không bị ngừng trệ.

Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhưng với việc các doanh nghiệp chủ động triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có những tín hiệu lạc quan. Theo đó, qua thống kê sơ bộ, dự ước sản lượng một số sản phẩm công nghiệp trong nửa đầu tháng 5/2021 vẫn tăng so với tháng 4/2021.

Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 2,74%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2%. Đặc biệt, những doanh nghiệp hoạt động chế biến gỗ, sản xuất da, xi măng, kim loại…, sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu tháng 5/2021 vẫn tăng (sản xuất, chế biến gỗ dự ước tăng 19,28% do tìm được thị trường tiêu thụ ổn định; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 29,76% do Công ty Sản xuất da Nguyên Hồng có đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc; sản xuất kim loại tăng 6,57% do Công ty Kim loại màu Bắc Bộ đã ký được một số đơn hàng xuất khẩu…).

Năm 2021, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt từ 8 – 9%. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, yếu tố tiên quyết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần tiếp tục có chiến lược sản xuất, kinh doanh hợp lý, lựa chọn những phương án tối ưu để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 5,53% so với cùng kỳ năm 2020.
TRÍ DŨNG - HOÀNG CƯỜNG