Thứ sáu,  20/09/2024

Cơ sở sản xuất chè Đồng Thuộc: Thành công từ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại

– Thời gian qua, cơ sở sản xuất chè Đồng Thuộc, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập đã từng bước ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến chè. Qua đó, góp phần tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm chè đưa ra thị trường.

Một ngày giữa tháng 5/2021, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất chè Đồng Thuộc. Tại đây, hệ thống máy móc đã được cơ sở đầu tư bài bản, hình thành nên một dây chuyền sản xuất chè khô với quy trình khép kín từ khi đưa nguyên liệu búp chè tươi vào chế biến cho đến phân loại sản phẩm và đóng gói.

Qua trò chuyện với ông Đỗ Văn Nam, chủ cơ sở, chúng tôi được biết, từ năm 1998, nhận thấy trên địa bàn thị trấn có diện tích chè khá lớn, gia đình ông Nam đã mua chè búp tươi của người dân và chế biến thành chè khô bán ra thị trường. Mới đầu, quy mô còn nhỏ lẻ và chế biến theo cách truyền thống nên năng suất cũng như chất lượng sản phẩm chưa cao. Năm 2007, gia đình ông mở rộng quy mô lên thành xưởng sản xuất, chế biến chè, đầu tư một số máy móc công nghiệp như: máy sao chè, máy vò và xây dựng thương hiệu chè Đồng Thuộc. Mỗi ngày, xưởng thu mua từ 1 đến 1,5 tấn chè búp tươi của người dân trên địa bàn để chế biến.

Sản phẩm chè được cơ sở sản xuất chè Đồng Thuộc ứng dụng máy móc để phân loại sản phẩm theo từng chất lượng trước khi tiêu thụ ra thị trường

Năm 2017, ông Nam tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ông đã xây dựng nhà xưởng gần 1.000 m2, mua thêm máy móc, trang thiết bị sản xuất, chế biến chè với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Đến năm 2019, từ chương trình khuyến công địa phương, cơ sở được hỗ trợ 140 triệu đồng, cùng với số vốn đối ứng trên 400 triệu đồng, cơ sở đã lắp đặt hoàn thiện dây chuyền sản xuất chè búp khô khép kín, sản phẩm đầu ra được phân loại rõ ràng theo từng chất lượng.

Ông Nam cho biết: Việc ứng dụng máy móc đã giúp cơ sở tăng năng suất và nâng cao chất lượng chè. Ví như sử dụng máy vò sẽ tiết kiệm được thời gian và nhân công so với cách làm truyền thống trước đây, lá săn hơn, đẹp, đều hơn, không bị vỡ vụn. Cùng đó, máy sấy chè giúp giữ được hương vị, độ thơm ngon của chè… Từ 2017 đến nay, vào vụ chè từ tháng 3 đến tháng 11 dương lịch, trung bình cơ sở thu mua hơn 3 tấn chè búp tươi mỗi ngày (tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó).

Nhờ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, thương hiệu chè Đồng Thuộc của cơ sở đã được người tiêu dùng ở trong và ngoài tỉnh biết đến. Riêng năm 2020, cơ sở đã thu mua trên 350 tấn chè búp tươi với giá trung bình 12.000 đồng/kg, chế biến được trên 90 tấn chè búp khô, giá chè búp khô bình quân từ 50.000 đến 80.000 đồng/kg, đem lại doanh thu hơn 5,5 tỷ đồng, trừ chi phí, cơ sở thu về trên 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Hữu Trình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Hiện thị trấn có một cơ sở sản xuất lớn và 7 hộ sản xuất nhỏ đã ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, chế biến chè khô. Trong đó, cơ sở sản xuất chè Đồng Thuộc là một điểm sáng trong việc ứng dụng máy móc hiện đại vào chế biến chè khô nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hằng năm, cơ sở này đã thu mua, chế biến chè với sản lượng đạt từ 30 đến 35% tổng sản lượng chè trên địa bàn. Nhờ đó, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ trồng chè, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Hiện thị trấn Nông trường Thái Bình có trên 130 ha chè, trong đó có hơn 22 ha chè được người dân trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, ngoài đầu tư thiết bị, cơ sở sản xuất chè Đồng Thuộc sẽ liên kết với người dân tập trung sản xuất chè theo hướng sản xuất an toàn để nâng cao giá trị của sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ để sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

CẨM HÀ