Nhìn nhận về bức tranh kinh tế-xã hội 9 tháng, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, có rất nhiều “điểm sáng”, nhiều ngành đã khôi phục và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với trước khi xảy ra dịch Covid-19, như: Chế biến chế tạo, bán lẻ, dịch vụ… Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực, như: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57% cho thấy rõ sự phục hồi của nền kinh tế.

Đáng lưu ý là lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh chịu nhiều sức ép: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm từ 2018 đến 2021. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt hơn 163.000, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta…

Đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài), Hà Nội. Ảnh: PHẠM HÙNG 

Đề cập tới nguyên nhân GDP quý III của Việt Nam ước tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát thuộc nhóm thấp trên thế giới, bà Nguyễn Thị Hương cho hay, một phần nguyên nhân là cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng âm (GDP quý III năm 2021 tăng trưởng âm 6,17%)-đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nước ta. Cùng với đó, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế tới từ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Trong đó, chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả; môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực… tạo sự tin tưởng, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, một nguyên nhân giúp GDP 9 tháng có mức tăng trưởng ấn tượng đó là tác động của kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 9 đã đạt 46,7% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao-kết quả này tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước về tỷ lệ phần trăm (cùng kỳ là 47,38%) nhưng số tuyệt đối cao hơn năm trước gần 35.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tổng lượng vốn đầu tư công năm 2022 nhiều hơn tổng lượng vốn đầu tư công năm 2021 nên tỷ trọng phần trăm có thể thấp hơn, nhưng con số tuyệt đối về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cao hơn so với năm 2021 là 16%.

Đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa.

Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt khoảng 8%

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng, nhiều chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội phát huy hiệu quả đã đưa Việt Nam thành nền kinh tế nhận được nhiều dự báo tăng trưởng GDP tích cực nhất châu Á. Các tổ chức quốc tế như Moody, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%. Trên cơ sở các diễn biến tích cực đó của bức tranh kinh tế 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cập nhật triển vọng tăng trưởng cho cả năm 2022 của nước ta. Theo đó, tăng trưởng GDP cả năm 2022 có thể đạt khoảng 7,5% đến 8%. Ở kịch bản tăng trưởng GDP 7,5%, tăng trưởng quý IV chỉ cần đạt mức 4,14% (là thấp nhất các quý trong năm). Còn ở kịch bản tăng trưởng GDP đạt 8% thì quý IV cũng chỉ cần tăng ở mức 5,9%. “Mặc dù quý IV còn những khó khăn nhưng do nền kinh tế đang trên đà phục hồi, đặc biệt là các ngành dịch vụ nên nếu không có những biến động quá lớn và bất thường thì khả năng cao nghiêng về kịch bản cả năm đạt tăng trưởng khoảng 8%”, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo.

Đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hengsan Việt Nam-công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo quản hàng hóa tại Việt Nam. Ảnh: DƯƠNG KIÊN 

Lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022, tuy nhiên, nhiều ý kiến nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường… Những diễn biến này vượt khỏi khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế và tạo áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự thận trọng, linh hoạt của cơ quan điều hành chính sách. Đánh giá từ ADB cho thấy, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng như suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam; việc thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động; việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Đặc biệt lưu ý đến lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, việc kiểm soát tốt lạm phát trong 9 tháng vừa qua giúp Việt Nam có dư địa để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra trong năm nay, nhưng vẫn tiềm ẩn các yếu tố có khả năng tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Do đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, nhất là cần kiểm soát giá các loại nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, dần thay thế nguồn nhập khẩu. Cùng với đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.