Thứ sáu,  20/09/2024

Ưu tiên nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn

– Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số các chương trình tín dụng (chiếm 48,7%). Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người dân nông thôn có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn, tiêu biểu như: Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Cán bộ Agribank Bắc Sơn hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn

Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã coi nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong đầu tư và mở rộng tín dụng. Các ngân hàng đã chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từ đó giúp khách hàng khu vực nông thôn có điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn nguồn vốn ngân hàng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) là đơn vị điển hình trong hoạt động cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tính đến hết tháng 11/2022, tổng dư nợ của Agribank Lạng Sơn đạt trên 11.770 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 63% tổng dư nợ toàn chi nhánh với 21.964 hộ đang vay vốn.

Ông Đinh Mạnh Tranh, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Để đồng hành cùng người dân, Agribank Lạng Sơn luôn chủ động cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khu vực nông thôn như: điểm giao dịch lưu động đến tận các xã, mở rộng hệ thống cây ATM… đảm bảo hộ dân có vốn thực hiện kịp thời ý tưởng kinh doanh. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: trồng, chăm sóc rừng; chăn nuôi; phát triển kinh doanh dịch vụ… Qua đó, giúp người dân nông thôn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Anh Hoàng Văn Thời, thôn Bản Tác, xã Bình La, huyện Bình Gia cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò vỗ béo từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do vốn ít nên mỗi lứa gia đình tôi chỉ nuôi 3 đến 5 con. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ Agribank Bình Gia, tháng 3/2021, gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Nghị quyết 08 để mở rộng sản xuất, với số tiền vay 100 triệu đồng để thực hiện dự án. Có vốn, gia đình tôi đã mở rộng quy mô chuồng trại và tăng đàn trâu, bò lên 12 con/lứa và sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Nhờ mở rộng quy mô sản xuất đã giúp gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với 3 năm trước đây.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Bình giải ngân vốn vay cho người dân

Không chỉ có Agribank, thời gian qua nguồn vốn vay ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cũng đã góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng dư nợ 18 chương trình tín dụng ưu đãi tại NHCSXH tỉnh đạt gần 3.700 tỷ đồng, số hộ còn dư nợ là 65.995 hộ. Trong đó, nguồn vốn cho vay được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiếm 90% tổng dư nợ.

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả các chương trình vốn hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chi nhánh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền; chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng thôn, bản, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, nhanh chóng, kịp thời.

Với sự chủ động triển khai thực hiện các chính sách tín dụng của các ngân hàng đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng của ngành ngân hàng cho lĩnh vực này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, đến hết tháng 11/2022, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng là 18.794 tỷ đồng (tăng 1,09% so với 31/12/2021), tổng số khách hàng còn dư nợ là 107.806 khách hàng (chủ yếu là khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh).

Với những giải pháp đồng bộ, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn vay, người dân đã đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi,…  Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân hằng năm đạt từ 3% đến 5%, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 75/181 xã đạt chuẩn NTM; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, giám sát các ngân hàng triển khai có hiệu quả các chủ trương của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng quan tâm đầu tư tín dụng hướng vào mục tiêu cơ giới hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, tăng cường cung ứng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu của người dân ở địa bàn nông thôn. Qua đó, cung cấp vốn kịp thời, giúp người dân nói chung cũng như các hộ nông dân khắc phục những trở ngại, khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen” tại thị trường nông thôn. Qua đó, nâng cao vai trò, vị thế của ngành ngân hàng, tăng cường lòng tin của người dân với ngành.

Để thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngày 10/12/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025. Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08, đến hết tháng 11/2022, đã có 587 khách hàng được vay vốn với tổng dư nợ là 359,7 tỷ đồng, tăng 121,5% so với 31/12/2021.

HIỂU LAM - MAI LINH