Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

– Tết Dương lịch năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 gần nhau nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các loại hàng hóa sẽ tăng cao so với thời điểm trong năm. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương, các ngành liên quan và các doanh nghiệp đang gấp rút triển khai công tác dự trữ nguồn hàng.

Với sự điều hành linh hoạt các giải pháp của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế năm 2022 đã khởi sắc hơn năm 2021, vì thế, thị trường hàng hóa tháng cuối năm 2022 và giáp Tết Nguyên đán Quý Mão được dự báo sẽ sôi động hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Theo tính toán của ngành công thương tỉnh, nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đường, sữa… sẽ tăng trên 10% so với những tháng trong năm 2022.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại Winmart Lạng Sơn

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, trung bình sản lượng gạo sản xuất của tỉnh là 130 nghìn tấn/năm, trong đó nhu cầu tiêu thụ về gạo toàn tỉnh bình quân là 60.000 tấn/năm, do vậy nếu tính về cung cầu thì sản lượng sản xuất tại tỉnh đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu mặt hàng này. Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, thủy sản), sản lượng tại địa phương hiện nay đạt 37.500 tấn/năm (trong đó sản lượng thịt gia cầm đạt 10.000 tấn/năm; sản lượng thịt trâu, bò đạt 7.500 tấn/năm; sản lượng thịt lợn đạt khoảng 20.000 tấn/năm), đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của toàn tỉnh trong 1 năm. Về rau xanh, sản lượng tại chỗ đạt hơn 100.000 tấn/năm, có thể đáp ứng 80% nhu cầu của toàn tỉnh.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Cơ bản tỉnh đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tại chỗ. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao vào một thời điểm nên lượng cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu sản xuất nội tỉnh chắc chắn sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã thông tin về kế hoạch triển khai công tác chuẩn bị tết đến tất cả các ngành và các huyện, thành phố để sẵn sàng phương án đảm bảo nguồn hàng hóa. Cùng đó, thực hiện đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn tỉnh.

Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Winmart+ tại Lạng Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 27 cửa hàng tiện lợi Winmart+ được mở ở 11 huyện, thành phố. Nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2023, đơn vị hiện đã chủ động dự trữ nguồn hàng tăng từ 10 – 25% (tùy mặt hàng), trong đó, nguồn hàng dự trữ lớn nhất vẫn là các loại dầu ăn, bánh kẹo, đường sữa, gạo sạch, thịt tươi sống… Không chỉ vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán, chuỗi cửa hàng tiện lợi Winmar+ tại Lạng Sơn cũng sẽ bán giảm giá tất cả các sản phẩm từ 5 – 10% (tùy mặt hàng) nhằm bình ổn giá cả thị trường cuối năm, đồng thời thu hút người tiêu dùng đến mua sắm tại Winmar+.

Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên dự trữ các mặt hàng dầu ăn phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán

Ngoài chuỗi cửa hàng Winmart+, vào thời điểm này các doanh nghiệp phân phối, cung ứng hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên, Công ty TNHH TMXD Thiên Phú, Công ty Cổ phần Thành Đô… và các siêu thị trên địa bàn như: Đồng Tiến, Thành Đô, Bình Cam Mart, Winmart… đều nhập bổ sung nguồn hàng và tăng lượng hàng hóa dự trữ lên từ 10 – 30% so với thời điểm trong năm. Trong đó, riêng về gạo, các doanh nghiệp phân phối vẫn chủ động nhập bổ sung khoảng 7.000 tấn. Cùng đó, chủ động nhập bổ sung khoảng 10.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt lợn và gia cầm).

Theo ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, bên cạnh việc chủ động nguồn hàng, các doanh nghiệp phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Lạng Sơn khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Bên cạnh vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn hàng hóa dữ trữ để đảm bảo nguồn cung trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ngành công thương tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan, các huyện và thành phố tổ chức 12 hội chợ thương mại nhằm đưa hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua các hội chợ thương mại này, các doanh nghiệp tham gia bán hàng cũng sẽ thực hiện bình ổn giá theo chương trình của tỉnh. Theo đó, hầu hết các mặt hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu sẽ giảm khoảng 5 – 10% so với giá bán trên thị trường.

Được biết, bên cạnh việc tổ chức hội chợ, từ ngày 15/12 (tháng Chạp âm lịch), các doanh nghiệp cung ứng và phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn sẽ lắp đặt các gian hàng để tổ chức khoảng 50 điểm bán hàng với mức giá ưu đãi cho người tiêu dùng.

Qua trao đổi với lãnh đạo Sở Công Thương được biết,  dịp Tết Nguyên đán 2023, chủ trương của tỉnh là kêu gọi “xã hội hóa” hoạt động bình ổn giá. Theo đó, thực hiện sự kêu gọi, vận động của tỉnh, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn tại tỉnh đã cam kết thực hiện linh hoạt triển khai các chương trình giảm giá đặc biệt, bán hàng đồng giá… để tạo sự bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán.

Với sự chủ động trong công tác quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành và sự đồng hành của các doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần đảm bảo cung cầu về hàng hóa dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023. Điều quan trọng hơn hết, những chương trình dự trữ, bình ổn giá bán hàng hóa kịp thời vào đúng thời điểm cuối năm và nhất là giáp Tết Nguyên đán đã góp phần đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa nội tỉnh. Qua đó, không để thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Ông Trần Đức Thanh, Tổng Quản lý Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên

“Nhằm đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng giá trị trên 18 tỷ đồng (tăng 15 – 20% so với các tháng thường trong năm). Các mặt hàng dự trữ chủ yếu là dầu ăn, đường, bánh kẹo, đồ uống… Để tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa dẫn đến nạn đầu cơ tích trữ trên thị trường, ngoài việc tăng nguồn hàng dự trữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, công ty đã, đang kết nối và phân phối hàng hóa đến 2.500 cửa hàng, đại lý của công ty tại 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng cao nên giá của một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng đột biến như giá dầu ăn tăng 45%, giá đường kính tăng 45%… Tuy vậy, công ty cam kết thực hiện giảm giá bán hàng 5 – 10% tùy từng mặt hàng trong dịp này.

Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú

“Cũng giống như các doanh nghiệp phân phối hàng hóa khác trên thị trường, chúng tôi đã xây dựng và triển khai phương án dự trữ nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp cuối năm. Hiện tại, nguồn hàng dự trữ tại kho ước tính có tổng giá trị từ 25 – 30 tỷ đồng (tăng 50% so với các tháng thường trong năm). Để chủ động cung ứng hàng hóa, ngay từ tháng 11/2022, doanh nghiệp đã cho nhân viên trực tiếp xuống làm việc tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn để lên danh sách và chốt đơn hàng. Bên cạnh đó, để chia sẻ khó khăn với tỉnh nhà, doanh nghiệp đã chủ động trong công tác bình ổn giá. Theo đó, đối với các mặt hàng thiết yếu như: dầu ăn, bánh kẹo, đường, sữa các loại…, chúng tôi cam kết phân phối đến các cửa hàng, đại lý bán lẻ với mức giá thấp hơn giá bình quân trên thị trường từ 5 – 10%. Với việc có sự chuẩn bị sẵn trong việc cung ứng hàng hóa và chủ động bình ổn giá, chúng tôi cơ bản đáp ứng đủ nguồn hàng cho mạng lưới phân phối, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Từ đó, góp phần ổn định giá cả, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

TRÍ DŨNG - KIM CHI