Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành công thương diễn ra mới đây.

Hiện nay, nguồn cung xăng dầu đã được bảo đảm

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở các địa phương.

Bộ Công Thương: Đến nay đã không còn thiếu xăng dầu cục bộ
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hiện nay, nguồn cung xăng dầu đã được bảo đảm, không còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. 

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cung ứng cho thị trường.

Cùng với đó là tăng công suất sản xuất tối đa có thể để cung ứng cho thị trường; kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Ngoài ra, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu xăng dầu; dự tính nhu cầu thị trường và thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

“Đến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2022, Bộ đã triển khai 2 Đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; triển khai Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình kinh doanh tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, kịp thời xử lý những biến động bất thường trên thị trường đối với mặt hàng xăng dầu…

Nhờ đó đã góp phần ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, nguồn cung cho thị trường được bảo đảm, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ găm hàng, giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết.

Trong năm, lực lượng thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 2.650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng liên quan đến lĩnh vực xăng dầu.

Điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp

Xác định những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới với mặt hàng quan trọng này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Đặc biệt là sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, tình hình thực hiện nhập khẩu theo tổng nguồn đã được phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề xuất các giải pháp kịp thời để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai công tác hậu kiểm, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định…