Thứ sáu,  20/09/2024

Chi Lăng: Phát triển cây ăn quả theo hướng nông nghiệp sạch

(LSO) – Những năm qua, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới, UBND huyện Chi Lăng không chỉ đẩy mạnh triển khai các mô hình trồng cây ăn quả giá trị cao mà còn tập trung phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn). Nhờ đó, góp phần nâng cao giá trị, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm.

Gia đình ông Triệu Văn Trạch, thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng có 1.500 gốc na. Được chính quyền xã định hướng, năm 2020, gia đình ông đã chuyển sang chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trạch cho biết: Việc trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP cần có sự tỉ mỉ, gia đình tôi đã tìm hiểu sử dụng phân hữu cơ, phân gà hoai mục và các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ sinh học để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, sản phẩm được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, đầu ra của sản phẩm ổn định, giá thành cao hơn. Năm 2020, gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với diện tích trồng theo cách truyền thống của năm trước.

Người dân thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng chăm sóc vườn na sau thu hoạch

Xã Chi Lăng bắt đầu thực hiện trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2016. Hiện toàn xã có 600 ha cây ăn quả, trong đó có 55 ha na và khoảng 20 ha bưởi trồng theo VietGAP, GlobalGAP. Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định trồng cây ăn quả, đặc biệt cây na là thế mạnh phát triển kinh tế của xã, chúng tôi đã chú trọng tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chức năng của huyện triển khai đến người dân phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, hiệu quả kinh tế thay đổi rõ rệt. Số hộ có thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/hộ chiếm 30%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 17% (năm 2016) xuống còn 1,03 % (năm 2020), năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, xã tiếp tục mở rộng thêm 75 ha diện tích cây ăn quả theo hướng VietGAP.

Cùng với xã Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ cũng là địa bàn huyện tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng nông nghiệp sạch. Ông Hoàng Văn Thoan, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Diện tích cây ăn quả toàn thị trấn là 417 ha, chủ yếu là cây na và bưởi. Năm 2017, được UBND huyện quan tâm, đầu tư khoa học kỹ thuật và tập huấn trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, toàn thị trấn đã trồng được 48 ha VietGAP, đến năm 2020 là 93 ha. Chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá cả, thị trường ổn định, năm 2020, tổng thu từ cây ăn quả đạt 77 tỷ đồng.

Hiện huyện Chi Lăng có khoảng 3.400 ha cây ăn quả, chủ yếu là một số cây ăn quả chính như: cây na, bưởi, cam tập trung ở các xã: Chi Lăng, Y Tịch, Vạn Linh, Gia Lộc, thị trấn Đồng Mỏ. Trong đó, có 430 ha na và 74 ha bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, còn các diện tích còn lại đều được sản xuất an toàn.

Để nâng cao giá trị sản xuất, từ năm 2016, UBND huyện đã chú trọng chỉ đạo các xã, thị trấn phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP. Theo đó, trung bình mỗi năm, phòng chức năng huyện phối hợp tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn lồng ghép về chuyển giao khoa học, trong đó có kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho hơn 1.000 lượt người tham gia. Đặc biệt, năm 2020, UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp mã vùng trồng na với diện tích 45 ha tại thị trấn Đồng Mỏ và xã Y Tịch. Đồng thời, huyện đã hỗ trợ 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc và 1.000 bao bì sản phẩm cho các xã, thị trấn.

Nhờ đó, sản phẩm cây ăn quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả phát triển nông nghiệp ngày càng tăng, giá trị cây ăn quả năm 2020 ước đạt khoảng 800 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm na sản xuất theo quy trình VietGAP được đông đảo người tiêu dùng biết đến, giá cả ổn định và tăng 30% so với năm 2015. Năm 2015, diện tích na khoảng 1.200 ha, sản lượng 10.177 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 200 tỷ đồng, đến năm 2020, diện tích na khoảng 1.860 ha, sản lượng đạt 16.500 tấn, giá trị sản xuất na đạt gần 700 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015.

“Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển cây trồng chủ lực, nâng cao giá trị sản xuất. Đặc biệt, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Dự kiến, năm 2021, huyện sẽ mở rộng diện tích na VietGAP tại khu vực các xã núi đá như: Thượng Cường, Vạn Linh, Bằng Mạc… với diện tích 200 ha”.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện

HỒ DUNG