Thứ sáu,  20/09/2024

Gia Lộc: Triển vọng từ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo

(LSO) – Trong những năm gần đây,  xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng làm giàu cho người dân Gia Lộc.

Gia Lộc là xã miền núi, có 912 hộ dân. Mặc dù mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo mới chỉ triển khai vài năm trở lại đây nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Từ Văn Tiển, thôn Lũng Mắt, xã Gia Lộc cho biết: Năm 2017, nhận thấy việc chăn thả đàn bò tự nhiên không đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian chăm sóc lâu, nên gia đình tôi quyết định chuyển sang hình thức  nuôi nhốt chuồng vỗ béo. Chăn nuôi theo phương pháp này tốn ít thời gian, công sức, mỗi ngày, tôi chỉ dành vài tiếng cho ăn và vệ sinh chuồng trại, sau khoảng 3 tháng đã có thể xuất bán. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất được 2 lứa, mỗi lứa 4 – 6 con, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Người dân thôn Nà Mần, xã Gia Lộc chăm sóc gia súc

Tương tự ông Tiển, anh Triệu Văn Hiền, thôn Nà Mần đã áp dụng phương pháp chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo. Anh Hiền cho biết: Năm 2018, được UBND xã tuyên truyền và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi đã thực hiện mô hình nuôi trâu bò vỗ béo. Ban đầu gia đình nuôi 4 con trâu/lứa, đến nay đã tăng số lượng lên 8 con/lứa. Trong 3 năm qua, gia đình tôi đã xuất bán 4 lứa, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nuôi theo phương pháp này không những có thu nhập cao trong thời gian ngắn mà còn tránh được rủi ro về bệnh tật.

Từ hiệu quả đó, đến nay, mô hình đã được nhân rộng và phát triển ra toàn xã. Nếu như năm 2016, toàn xã chỉ có 4 hộ nuôi trâu, bò vỗ béo, thì đến hết năm 2020, xã đã có 100 hộ nuôi; bình quân các hộ nuôi từ 6 đến 12 con/lứa, mang lại thu nhập từ 50 triệu đồng đến trên 150 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn nhiều so với chăn thả tự nhiên.

Xác định chăn nuôi trâu, bò theo hướng nhốt chuồng vỗ béo là mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con, UBND xã Gia Lộc đã tích cực truyên truyền, hỗ trợ bà con thực hiện mô hình. Theo đó, năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ thức ăn chăn nuôi cho 15 gia đình với  tổng số tiền 200 triệu đồng. Cùng với đó, năm 2020, UBND xã phối hợp với ngành chức năng huyện mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con như: làm chuồng trại, chọn giống, phòng trừ dịch bệnh, hướng dẫn các hộ trồng cỏ làm nguồn thức ăn…

Ông Hoàng Minh Chánh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống của bà con, trung bình người dân thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con/tháng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, định hướng người dân mở rộng mô hình; tận dụng nguồn vốn từ các chính sách, chương trình của trung ương, tỉnh, quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ hộ dân vay vốn phát triển sản xuất.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo tại xã là 17,02%, năm 2020 giảm còn 3,59%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 25 triệu/người/năm (năm 2016) lên gần 37 triệu đồng/người/năm (năm 2020).

HỒ DUNG - NGUYỄN PHÚC