Thứ sáu,  20/09/2024

Bình Gia: Chú trọng hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

– Trong thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và nguồn vốn đối ứng của người dân, huyện Bình Gia đã xây dựng thành công 20 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2018, gia đình anh Hoàng Văn Độ, phố Tân Thành, thị trấn Bình Gia trồng thử nghiệm 50 gốc thanh long. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sau hơn 1 năm, cây thanh long cho thu hoạch lứa đầu tiên. Anh Độ cho biết: Lứa đầu tiên, gia đình tôi chỉ đưa một ít thanh long ra bán để tìm hiểu thị trường, tuy nhiên, hiệu quả khá bất ngờ, thanh long của gia đình bán được với giá 40.000 đồng/kg.

Anh Nông Ngọc Vũ, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn chăm sóc đàn bò

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình, anh Độ quyết định mở rộng diện tích, trồng thêm 160 gốc với mục tiêu sản xuất hàng hóa. Trong quá trình triển khai mô hình, gia đình anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tại vườn với trị giá hơn 20 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình NTM. Nhờ đó, năng suất, sản lượng quả tăng đáng kể. Năm vừa qua, gia đình anh thu hoạch được 3 vụ thanh long, mỗi vụ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

Tại thôn Kéo Coong, xã Tân Văn, gia đình anh Nông Ngọc Vũ lại thành công với mô hình nuôi bò lai Sind sinh sản. Anh Vũ cho biết: Tôi và 4 thành viên khác thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản thôn Kéo Coong từ năm 2017. Được sự quan tâm của chính quyền và Hội Nông dân xã, tổ hợp tác được hỗ trợ 450 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng NTM để mua thêm 18 con giống, nâng tổng đàn bò lên 40 con. Giống bò lai Sind này cho hiệu quả kinh rất cao, mỗi con bò trưởng thành bán giá khoảng 15 đến 40 triệu đồng, trừ tất cả chi phí thì lãi khoảng 10 đến 12 triệu đồng/con; đem lại thu nhập cho mỗi hộ trung bình 50 triệu đồng/năm. Đến nay, đàn bò của tổ hợp tác luôn được duy trì trên 30 con.

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện Bình Gia. Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền cơ sở hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng NTM và các nguồn vốn lồng ghép khác, điển hình như: mô hình nuôi bò sinh sản; trồng cây cát sâm; chăn nuôi bò thịt; trồng cây xạ đen,…

Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện nay, huyện đã xây dựng được 20 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với thu nhập trung bình từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Trong năm 2021, Phòng NN&PTNT tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đăng ký thực hiện 10 mô hình hỗ trợ và nhân rộng phát triển sản xuất. Tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện gần 10 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn mác, bao bì nguồn gốc xuất xứ; triển khai, lựa chọn các mô hình với định hướng phát triển các sản phẩm OCOP như: chè dưới tán hồi, miến dong Minh Khai, thạch đen Bình Gia.

Với sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự chủ động của người dân, các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Bình Gia ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Bình Gia đạt 41 triệu đồng/năm, tăng 23,4 triệu đồng so với năm 2016.

Riêng từ năm 2020 đến nay, tổng nguồn vốn hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình trên địa bàn huyện là 8,6 tỷ đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn định hướng và hướng dẫn kỹ thuật để người dân triển khai hiệu quả các mô hình. Từ năm 2020 đến nay, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức 14 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho trên 600 người.
MAI LINH