Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Còn nhiều khó khăn

– Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất và đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, việc phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 270 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, chỉ có 4 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết: việc phát triển các HTX như trên còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên phải kể đến là hầu hết các HTX trên địa bàn có quy mô sản xuất rất nhỏ, vốn điều lệ trung bình chỉ từ 30 – 50 triệu đồng (thấp nhất là 3 triệu đồng). Việc ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi số vốn hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, với quy mô sản xuất của các HTX như hiện nay, doanh thu chưa thể đáp ứng số vốn cần để đầu tư.

Sản xuất nông nghiệp tại HTX Công nghệ cao (thôn Bình Cằm, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn)

Thứ nữa là, việc ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi tương đối cao về nhân lực trong các HTX. Hiện nay, các HTX đều thiếu thốn về cơ sở vật chất, khả năng tài chính hạn hẹp. Vì vậy, việc thu hút nguồn lao động trẻ, có kiến thức, năng lực chuyên môn phù hợp để làm việc lâu dài còn rất hạn chế. Đơn cử như tại HTX Trấn Ninh (huyện Văn Quan). Ông Hoàng Lê Hoan, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2018, HTX là 1 trong số 10 HTX được UBND tỉnh hỗ trợ trong việc đưa nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp với thời hạn 36 tháng. Theo đó, HTX được hỗ trợ chi phí để trả lương cho nhân lực trình độ cao. Mặc dù vậy, HTX vẫn phải bỏ thêm chi phí để giữ chân các nhân lực như vậy. Sau 3 năm, toàn bộ 10 HTX đều không thể giữ được các nhân lực làm việc tiếp do thiếu vốn.

Không chỉ các HTX nông nghiệp đang sản xuất theo hướng truyền thống, ngay cả các HTX đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng gặp phải khó khăn nhất định. HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) là một trong những ví dụ điển hình. HTX có diện tích nhà lưới trên 5.000 m2, có hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương… với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Đi vào hoạt động từ năm 2017, đến nay, HTX đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất của HTX chưa được như mong muốn.

Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát cho biết: Việc ứng dụng công nghệ cao cần số vốn lớn, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngân hàng theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn rất khó do giá trị đầu tư tài sản, công trình nông nghiệp và đất HTX đang thuê sản xuất không thể sử dụng để làm tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, hiện nay, việc thuê đất từ các hộ dân để HTX mở rộng sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do doanh thu của HTX chưa đủ chi trả mức tiền thuê do một số hộ đưa ra.

Theo đánh giá từ Liên minh HTX tỉnh, điểm chung của nhiều HTX là đều thiếu chủ động, có tâm lý trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, các mô hình ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa đồng bộ tất cả các khâu sản xuất, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, chưa được công bố tiêu chuẩn, chất lượng, tem nhãn nên giá bán cũng chỉ tương đương với các sản phẩm truyền thống. Tất cả các nguyên nhân trên là rào cản lớn trong việc phát triển các HTX công nghệ cao trên địa bàn.

Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để từng bước gỡ khó trong phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao, mỗi năm, Liên minh HTX duy trì 7 lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên HTX về hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lựa chọn một số HTX có khả năng, tiềm lực để tư vấn, hỗ trợ, giúp các HTX đẩy mạnh ứng công nghệ cao và lựa chọn các công nghệ phù hợp.

Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang lồng ghép các chương trình, dự án; bố trí các nguồn vốn ưu tiên, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị; hướng dẫn, hỗ trợ các HTX đăng ký các quy trình, hoàn thiện nhãn mác, bao bì và tem truy xuất, góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản.

Phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là một trong những yếu tố cần thiết để có thể xây dựng được nền nông nghiệp thông minh. Cùng với các giải pháp được các cấp, ngành triển khai, các HTX cần chủ động hơn nữa trong việc tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển sản xuất. Đồng thời, cần chú trọng lựa chọn nhân lực đáp ứng đủ trình độ để có thể phát huy hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao. Cùng với những điều đó, HTX cần chủ động nêu khó khăn, vướng mắc để các cấp, ngành nắm bắt và có giải pháp hỗ trợ kịp thời

GIA KHÁNH