Thứ sáu,  20/09/2024

Tràng Định: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

– Thời gian qua, huyện Tràng Định đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Gia đình bà Hoàng Thị Bạch, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định làm thạch đen từ nhiều năm nay. Năm 2020, được cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền về chương trình OCOP, gia đình bà đã đăng ký tham gia với sản phẩm thạch đen Hồng Nhung và được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm 3 sao cấp tỉnh.

Bà Bạch cho biết: Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm ngày càng được khách hàng tin tưởng lựa chọn, thị trường tiêu thụ rộng hơn. Thạch đen được đóng hộp, vận chuyển đi khắp các tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Với công suất hiện tại, trung bình cơ sở sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 60.000 hộp thạch/tháng, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Gia đình tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất, chú trọng đổi mới bao bì, nhãn mác, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Công nhân công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý sản xuất thạch đen dạng bột

Không chỉ riêng sản phẩm thạch đen Hồng Nhung, xác định tham gia chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản trên địa bàn, ngay sau khi tỉnh triển khai chương trình, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia chương trình. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã phối hợp với các đơn vị như: Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện… tổ chức 3 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 210 lượt người. Song song với đó, năm 2020, từ nguồn kinh phí chương trình OCOP trên 830 triệu đồng, UBND huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình hơn 10.000 tem truy xuất nguồn gốc; 6.000 bao bì, nhãn mác sản phẩm; tổ chức xúc tiến thương mại;  xây dựng  website quảng bá sản phẩm…

Ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, huyện Tràng Định cho biết: Được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ, công ty đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh, đầu tư máy móc chế biến, đóng gói hiện đại với đầy đủ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc,…  Năm 2020, sản phẩm quy linh cao và thạch đen dạng bột của công ty đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhờ đó, giá bán ổn định, thị trường mở rộng hơn. Năm 2020, sản lượng bột thạch đạt gần 400 tấn, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tràng Định có 4 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao gồm: quy linh cao, thạch đen dạng bột, thạch đen Hồng Nhung, gạo nếp Ong vàng. Việc thực hiện chương trình OCOP góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, mở ra cơ hội cho bà con tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Từ đó, tăng thu nhập cho người dân, hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015.

Từ những giá trị đem lại của sản phẩm OCOP, năm 2021, UBND huyện đã lựa chọn thêm 3 sản phẩm đặc trưng gồm: trứng vịt (xã Quốc Khánh), bí xanh (xã Đề Thám), bánh khảo (xã Đại Đồng) để xây dựng sản phẩm OCOP, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, tập huấn đến hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và sự chủ động của các cơ sở sản xuất, thông qua chương trình OCOP, huyện Tràng Định đã và đang từng bước nâng cao chất lượng, giá trị của các sản phẩm nông sản trên địa bàn, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân

“Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả giúp tạo ra giá trị gia tăng cho những sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đó, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm được nâng lên rõ rệt, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống cho người dân”.

Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định

LIỄU CHANG