Thứ sáu,  20/09/2024

Mắc mật Bình Gia: Được mùa, mất giá

– Thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện Bình Gia đang bước vào mùa thu hoạch quả mắc mật. Thế nhưng hiện tại, giá mắc mật rất thấp – chỉ từ 4.000 đến 7.000 đồng/kg, giảm 2 đến 3 lần so với năm ngoái, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây khiến nông dân lo lắng.

Những ngày giữa tháng 7/2021, dọc theo quốc lộ 1B qua xã Tân Văn, huyện Bình Gia, người đi đường không khó bắt gặp hình ảnh những sọt mắc mật được người dân trèo hái về bày ngay dọc đường, chờ thương lái đến thu mua. Anh Hoàng Văn Am, thôn Bản Đao, xã Tân Văn cho biết: Gia đình tôi có hơn 100 cây mắc mật, năm nay, mắc mật sai quả nhiều hơn năm ngoái, ước thu được khoảng 5 tạ, tăng 1 tạ so với năm 2020. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu được hơn 1 tạ quả, bán cho thương lái với giá 4.500 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với năm 2020. Với giá bán này, đến cuối vụ, cả vườn mắc mật năm nay chỉ cho thu nhập hơn 2 triệu đồng.

Người dân xã Tân Văn, huyện Bình Gia phơi mắc mật

Tân Văn là xã có diện tích cây mắc mật lớn nhất huyện. Toàn xã hiện có 93 ha cây mắc mật, trong đó có trên 50 ha đang cho thu hoạch, sản lượng trung bình đạt 100 tấn/năm. Ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: Mắc mật là cây trồng truyền thống trên địa bàn xã. Năm 2018, UBND huyện đã hỗ trợ người dân trồng mới trên 50 ha cây mắc mật. Tuy nhiên, sản phẩm chưa có thương hiệu, giá cả hằng năm còn phụ thuộc vào thương lái nên bấp bênh.

Cũng trong tình cảnh chung như ở xã Tân Văn, nhiều người trồng mắc mật trên địa bàn huyện đang ngậm ngùi vì giá bán rất rẻ. Nếu vụ mắc mật năm 2019 được giá từ 18.000 đến 22.000 đồng/kg, năm 2020 được giá từ 10.000 đến 16.000 đồng/kg thì năm nay chỉ được giá từ 4.000 đến 7.000 đồng/kg. Theo người dân trồng mắc mật trên địa bàn huyện, vài năm trở lại đây, chưa có năm nào giá bán mắc mật lại thấp như năm nay. Mặc dù giá thấp nhưng nhiều người dân vẫn phải bán để bù vào công chăm sóc, thu hoạch, còn nhiều hộ lại chấp nhận tự phơi nắng tại nhà để bảo quản lâu dài.

Ông Hoàng Văn Huồng, thôn Pác Nàng, xã Tô Hiệu cho biết: Mọi năm được giá, thời điểm này, người dân đã thu hoạch gần hết diện tích cây mắc mật cho quả. Tuy nhiên năm nay, mắc mật mất giá nên người dân không mặn mà việc thu hái. Từ đầu mùa đến nay, gia đình tôi thu hoạch được gần 2 tạ quả, hiện còn khoảng 3 tạ quả ở những cây trên núi đá đang chín rộ chưa thu hoạch.

Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Gia, toàn huyện hiện có 120 ha cây mắc mật, trồng tập trung tại các xã: Tân Văn, Hoàng Văn Thụ, Tô Hiệu… trong đó, có trên 70 ha đang cho thu hoạch. Mắc mật năm nay được mùa, năng suất ước đạt gần 770 tấn, cao hơn 50 tấn so với năm 2020, tuy nhiên giá bán lại giảm 2 đến 3 lần so với năm ngoái. Giá mắc mật thấp là do người dân chưa đầu tư thâm canh, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, khâu phơi sấy, bảo quản còn nhiều hạn chế… Những năm qua, sản phẩm quả mắc mật Bình Gia chỉ tiêu thụ chủ yếu tại địa bàn huyện và một số huyện lân cận.

Đây không phải là loại nông sản đầu tiên của nông dân huyện Bình Gia thất thu do giá xuống thấp. Thiết nghĩ, để câu chuyện “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa” không lặp lại, các cấp, ngành liên quan ở huyện cần nghiên cứu hình thành vùng sản xuất tập trung, chủ động liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó việc đầu tư sản xuất của bà con nông dân mới ổn định và bền vững.

“ Thời gian tới, để cây mắc mật trên địa bàn huyện đem lại thu nhập ổn định cho người dân, phòng sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về quy trình trồng, chăm sóc cây mắc mật, mở rộng diện tích lên 300 ha. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, xây dựng sản phẩm mắc mật sấy khô của thị trấn Bình Gia thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ dẫn địa lý mắc mật Lạng Sơn; xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm mắc mật trên địa bàn huyện”…

Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp  và Phát triển Nông thôn huyện Bình Gia

LIỄU CHANG