Thứ năm,  19/09/2024

Đồng Thắng: Đổi thay từ rừng

– Đồng Thắng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, cách trung tâm huyện 23 km, đường sá đi lại rất khó khăn, biệt lập vào mùa mưa, dân cư thưa thớt. Trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa nương, lúa nước và khai thác sản vật từ rừng, đời sống rất khó khăn. Song, sau nhiều năm phát triển kinh tế đồi rừng, đời sống người dân nơi đây đã có chuyển biến tích cực.

Anh Giáp Văn Đạt, thôn Nà Xoong là một trong những hộ điển hình thoát nghèo từ rừng, anh Đạt cho biết: Khai thác diện tích đất rừng của gia đình, năm 2003, tôi trồng 3.000 cây thông, sau 12 năm chăm sóc, cây thông đã có thể khai thác nhựa, đem lại thu nhập từ 30 đến 60 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu đó, gia đình tôi tiếp tục đầu tư phát triển thêm 3 ha rừng keo. Đến năm 2019, gia đình tôi đã  được thu hoạch rừng keo, sau khi trừ chi phí cho lãi 40 triệu đồng/ha. Nhờ phát triển kinh tế rừng, đời sống gia đình đã được cải thiện và thoát nghèo từ năm 2020.

Người dân xã Đồng Thắng khai thác nhựa thông

Cây thông được người dân đưa về trồng trên địa bàn xã từ năm 2003 và nhân rộng trong những năm sau đó, cây keo cũng được người dân bắt đầu trồng từ năm 2013. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của 2 loài cây này nên người dân nhanh chóng nhân rộng diện tích. Hiện nay, toàn xã có 1.600 ha rừng trồng thông và keo trên tổng số 2.868 ha diện tích đất rừng sản xuất. Mỗi năm, người dân trồng mới trên 100 ha rừng thông và keo.

Cây thông và keo đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Đồng Thắng. Mỗi héc-ta thông khai thác nhựa đem lại thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm tùy theo giá thị trường; mỗi héc – ta keo trồng từ 6 năm đem lại thu nhập bình quân 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện nay, toàn xã có 126 hộ dân, mỗi hộ đều có từ 5 đến 30 ha rừng thông và keo, thu nhập bình quân từ rừng toàn xã ước tính trên 10 tỷ đồng/năm.

Ông Vi Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã xác định phát triển lâm nghiệp là ưu tiên hàng đầu, lâm nghiệp đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế xã. Qua đó, xã luôn quan tâm các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển lâm nghiệp như: hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, phối hợp phòng chuyên môn huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng ít nhất 1 năm 1 lần.

Từ phát triển kinh tế rừng đã đem lại nhiều đổi thay ở xã Đồng Thắng. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 12 triệu đồng, thì đến năm 2020 đạt 34 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 50,87% năm 2015 xuống còn 29,7% năm 2021. Nếu như 10 năm trước đây, xã Đồng Thắng chỉ có vài ngôi nhà được xây dựng kiên cố, còn lại là những ngôi nhà gỗ nhỏ đơn sơ, tạm bợ thì hiện nay, trên 70% hộ dân đã xây dựng được nhà ở kiên cố. Người dân đã có thể mua sắm những đồ dùng có giá trị như: tivi, tủ lạnh… Một số gia đình đã mua được xe tải phục vụ phát triển kinh tế. Nhờ thu từ rừng mà chất lượng đời sống của  người dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2010, tỉ lệ trẻ em bị còi xương suy dinh dưỡng ở xã là 23%, hiện nay gần như không còn, 100% trẻ em độ tuổi đến trường được đi học.

Có thể thấy, phát triển kinh tế đồi rừng đã giúp người dân xã Đồng Thắng dần thoát ra khỏi cái nghèo, lạc hậu. Tuy nhiên, Đồng Thắng vẫn là xã khó khăn nhất của huyện 30a Đình Lập, vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp để giúp xã dần đổi thay, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa bàn.

ĐẠI NGỌC