Thứ năm,  19/09/2024

Hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp: Bước chuyển tích cực

– Hai năm gần đây, việc hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả tích cực, qua đó góp phần vào việc nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn.

Chuỗi giá trị là tổng thể các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi giá trị tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu (đầu vào, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…) để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh, số lượng các chuỗi giá trị còn hạn chế, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết mới đạt từ 4,04 đến 5,07%… Xác định rõ những hạn chế như vậy nên việc hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị được các cấp, ngành liên quan tập trung triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, lựa chọn chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh để hỗ trợ phát triển. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, cấp có thẩm quyền đã lựa chọn 10 chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm hỗ trợ phát triển thành các chuỗi giá trị.

Chăm sóc gà tại HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình

Trên cơ sở những khó khăn, hạn chế trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở đã được lựa chọn, Sở NN&PTNT hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hỗ trợ vật tư, thiết bị; hỗ trợ nâng cao thương hiệu sản phẩm thông qua hỗ trợ bao bì, tem nhãn sản phẩm; hỗ trợ hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, từng bước nâng cao hiệu quả các liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm (sản xuất- chế biến- tiêu thụ nông sản) đối với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Từ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, việc xây dựng chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm ở hợp tác xã (HTX) thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn là một ví dụ.

Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX cho biết: Hoạt động chủ yếu của HTX là nuôi cá lồng. Năm 2020, HTX được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng chuỗi giá trị thủy sản. Cụ thể, các thành viên của HTX được tham gia tập huấn các nội dung liên quan đến xây dựng chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, HTX còn được hỗ trợ 18.000 nhãn, mác sản phẩm cho 5 loại cá; được hỗ trợ lấy mẫu nước, mẫu sản phẩm cá và được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; vật tư khu sơ chế như: máy phun áp lực, máy thổi sục ô xi, lồng cá…

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực của mình, HTX đã tăng thêm 5 lồng cá ( nâng tổng số lồng cá của HTX lên 42); năng suất chất lượng cá được tăng lên. Đặc biệt, khâu tiêu thụ thay đổi rõ nét nhất. Nếu trước đây, HTX chỉ thu hoạch cá thành phẩm và mang bán tại chợ thì từ năm 2020 trở lại đây, HTX đã thực hiện thêm khâu sơ chế, bảo quản, chế biến thành 3 loại chả cá… Qua đó sản phẩm để được lâu hơn, thị trường tiêu thụ rộng hơn và giá trị sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Năm 2020, doanh thu từ cá của HTX được 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng, tăng 20% so với năm 2019 và tăng nhiều so với những năm trước.

Thu hoạch rau tại Hợp tác xã nông sản Hữu Lũng

Tương tự HTX thủy sản Lê Hồng Phong, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, năm 2021, HTX Thành Lộc, huyện Lộc Bình đang xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gia cầm. Ông Lý Minh Hiếu, Giám đốc HTX Thành Lộc cho biết: HTX được thành lập vào năm 2020 với hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, trong đó nổi bật nhất là gà 6 ngón. Năm 2021, HTX được hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, tem mác, trang thiết bị phục vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm, ứng dụng kinh tế số vào tiêu thụ sản phẩm… Mặc dù mới đi vào hoạt động song từ tháng 7/2021 đến nay, HTX đã đưa ra  thị trường trên 10.000 con gà giống, cung cấp gà thịt cho thị trường cả trong và ngoài tỉnh.

Cùng với 2 đơn vị kể trên, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ được 8 chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí là 1,6 tỷ đồng. Thông qua sự hỗ trợ đã giúp các chuỗi giá trị từng bước hình thành và phát triển với giá trị sản phẩm tăng từ 5 đến 20% so với trước đây.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song số lượng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít so với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, HTX cần tiếp tục chủ động trong việc đầu tư nguồn lực, liên kết chặt chẽ trong khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ… Từ đó, tiếp tục duy trì cũng như phát triển mới các chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

TÂN AN