Thứ tư,  18/09/2024

Đồng Ý: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

– Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đó, đem lại thu nhập cao, nhiều hộ vươn lên làm giàu ngay tại quê hương.

Xã Đồng Ý hiện có trên 1.000 hộ sinh sống tại 8 thôn. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 78 hộ dân đã chuyển đổi đất ruộng, vườn kém hiệu quả kinh tế sang trồng trên 17 ha cây ăn quả, 43 hộ chuyển đổi hơn 9 ha đất ruộng sang đào ao nuôi cá. Là hộ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Vy Văn Can, thôn Hợp Thành, xã Đồng Ý đã chuyển đổi diện tích đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi và gừng núi đá. Ông Can cho biết: Từ năm 2006, tôi đã trồng 100 cây bưởi Diễn. Sau hơn 3 năm, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch. Những năm gần đây, giá bán bưởi cao, đạt 15.000 đồng/quả, theo đó, mỗi năm, tôi đều mở rộng diện tích. Hiện gia đình tôi có 380 cây, đem lại thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ngoài bưởi, từ năm 2017, gia đình tôi trồng thêm gừng núi đá đem lại thu nhập 60 triệu đồng/năm.

Người dân thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý thu hoạch bưởi

Tương tự, năm 2017, gia đình ông Hoàng Công Tám, thôn Khau Ràng đã chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả để đào ao nuôi cá. Ông Tám cho biết: Tôi đã sử dụng 150 triệu đồng tiền dành dụm và vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo ruộng thành ao, mua cá giống. Từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi nuôi hơn 1.500 con cá trôi, trắm, chép/lứa, trung bình mỗi năm, gia đình tôi bán được hơn 2 tấn cá, trừ chi phí, gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. So với trồng ngô, lúa, cây hoa màu thì nuôi cá mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần trên cùng một đơn vị diện tích.

Được biết, trước đây, người dân xã Đồng Ý chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ theo hình thức tự cung tự cấp và trồng ngô, lúa, khoai, sắn là chính. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, chính quyền, đoàn thể xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên như: trồng cây ăn quả (bưởi, cam, quýt), nuôi cá nước ngọt và nuôi trâu, bò theo hình thức bán chăn thả… Cùng đó, xã tích cực phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cử nông dân tham gia các cuộc tham quan mô hình kinh tế hiệu quả tại các xã khác trong tỉnh, hỗ trợ nông dân kinh phí đầu tư thực hiện các mô hình… Cụ thể mỗi năm, xã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức được từ 8 đến 10 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con áp dụng vào sản xuất. Từ 2015 đến nay, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ 48 hộ dân thực hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây có múi, nuôi cá nước ngọt với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng…

Ông Phạm Bá Hạnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Ý cho biết: Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Hiện dư nợ cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 26 tỷ đồng với trên 500 lượt hộ vay; dư nợ qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt hơn 35 tỷ đồng với trên 200 lượt hộ vay. Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn vay đã giúp cho 106 hộ trong xã thoát nghèo. Ngoài ra, xã còn huy động được các nguồn lực khác như: nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho hợp tác xã, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để bà con phát triển các mô hình.

Với những cách làm trên, hiện nay, xã Đồng Ý có trên 243 ha cây ăn quả (tăng 87 ha so với năm 2016) gồm: cam, bưởi, quýt, mận…; tổng đàn vật nuôi có trên 45.000 con gia súc, gia cầm (tăng hơn 20.000 con so với năm 2016). Riêng trong năm 2021, giá trị kinh tế thu được từ hoạt động chăn nuôi của toàn xã đạt hơn 203 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2016; giá trị kinh tế từ trồng cây ăn quả đạt trên 40 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm 2016. Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đồng Ý là xã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi rõ rệt so với các xã khác trong huyện. Qua đó, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp cho đời sống của bà con trên địa bàn xã được nâng cao, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 44,31 triệu đồng, tăng 18,1 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,69%, giảm 12,5% so với năm 2016.

NGUYỄN PHÚC