Thứ sáu,  20/09/2024

Xây dựng nông thôn mới ở Hồng Thái: Quyết tâm vượt khó

(LSO) – Mặc dù còn nhiều khó khăn song năm 2020, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia (xã vùng 3 đặc biệt khó khăn) vẫn đặt quyết tâm cao nhất để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Năm 2020, Hồng Thái là 1 trong 13 xã được tỉnh chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM. So với nhiều xã khác, xã Hồng Thái có điều kiện khó khăn hơn khi số tiêu chí đã đạt nằm trong nhóm thấp (10/19 tiêu chí). Bên cạnh đó, địa hình chia cắt, dân cư không tập trung, cơ sở hạ tầng còn yếu, môi trường chưa được đảm bảo…

Xác định những khó khăn như vậy nên để giúp xã Hồng Thái từng bước đạt 19/19 tiêu chí, ngay từ năm 2019, huyện Bình Gia đã tập trung chỉ đạo sát sao, huy động nguồn lực để hỗ trợ xã thực hiện các tiêu chí. Cụ thể năm 2019, từ nguồn vốn xây dựng NTM, xã được đầu tư 3 công trình đường giao thông, nhà văn hóa xã với tổng mức đầu tư gần 19 tỷ đồng. Năm 2020, xã tiếp tục được đầu tư thêm 2 công trình trường học và điện với tổng mức trên 8 tỷ đồng.

Thi công công trình Trường Mầm non xã Hồng Thái

Ngoài nguồn vốn xây dựng NTM, từ nhiều chương trình, nguồn vốn khác, xã Hồng Thái đã được đầu tư, thực hiện đường giao thông, trường học; xây dựng mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, di dời chuồng trại… trị giá hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh sự đầu tư nguồn lực của nhà nước, người dân trên địa bàn xã Hồng Thái cũng tích cực chung tay, góp sức để thực hiện các tiêu chí. Ông Lương Hoàng Đựng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Để huy động được sức dân, công tác tuyên truyền, vận động được xã phối hợp triển khai thường xuyên, liên tục. Bên cạnh phối hợp mở các lớp tập huấn chuyên đề, xã còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền lồng ghép thông qua các cuộc sinh hoạt, hội họp chung của xã, của thôn.

Được tuyên truyền, vận động, người dân hiểu và tích cực chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí, trong đó nổi bật nhất là việc thực hiện tiêu chí môi trường. Ông Hoàng Văn Kết, thôn Nà Bản, xã Hồng Thái cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn hoặc sát nhà ở. Mặc dù biết là không đảm bảo vệ sinh, thường xuyên bốc mùi nhưng người dân ở đây “quen” rồi. Tuy nhiên, khi được xã cùng cơ quan chuyên môn tuyên truyền, gia đình hiểu và từng bước điều chỉnh. Cụ thể, gia đình tôi đã mắc đường ống, xây dựng hệ thống bi ô ga để xử lý chất thải chăn nuôi. Bên cạnh đó, gia đình còn cải tạo, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để giữ gìn vệ sinh môi trường chung.

Cùng với gia đình ông Kết, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi (Hồng Thái là một trong những xã có phong trào chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng mạnh nhất huyện Bình Gia) cũng đang di dời hoặc nâng cấp, cải tạo chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Cụ thể: từ đầu năm 2020 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã làm xong 58 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; xây dựng 52 nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; xây dựng 12 bể đốt rác…

Cùng với chung tay thực hiện tiêu chí môi trường, người dân trên địa bàn xã Hồng Thái còn chung sức thực hiện các tiêu chí khác như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư… Năm 2019, để tạo mặt bằng sạch xây dựng các công trình hạ tầng, người dân trên địa bàn xã đã hiến khoảng 27.000 m2 đất. Qua 6 tháng đầu năm 2020, người dân trên địa bàn xã đã đóng góp 370 triệu đồng, 1.844 ngày công lao động và hiến 1.422 m2 đất để chung sức thực hiện các tiêu chí NTM. Tính đến đầu tháng 7/2020, xã đã đạt thêm 2 tiêu chí và các tiêu chí còn lại đã đạt từ 50 – 70%. Qua đó, xã quyết tâm đặt mục tiêu đến hết tháng 10/2020 sẽ cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

TÂN AN