Thứ sáu,  20/09/2024
Nông thôn mới:

“Sướng” nhất là cứng hóa giao thông

LSO-Một trong những mơ ước lớn nhất của người dân Xứ Lạng là giao thông thuận tiện. Một điều dễ nhận thấy là đường cứng hóa đến đâu, đời sống người dân phát triển đến đó. Làm nông thôn mới đến đâu, nhân dân đều nói: “sướng” nhất giao thông nông thôn.

Nhân dân xã Lộc Yên, huyệnCao Lộc bê tông hóa giao thông nông thôn

Tôi vẫn nhớ mãi hồi đầu năm 2013, thôn Bình Lâm (xã Lâm Ca, huyện Đình Lập) đã mở hội khao làng để đánh dấu sự kiện bê tông hóa xong hoàn toàn các tuyến đường thôn. Sự kiện này phải gọi là kỳ tích của Bình Lâm, bởi ở xã đặc biệt khó khăn này, nơi mà quốc lộ (Quốc lộ 31) vẫn còn là đường đất, thế mà thôn bê tông hóa hết các tuyến đường liên thôn lẫn liên gia.

Chặng đường cứng hóa ấy gần 10 năm. Chỉ tính riêng con đường trục chính của thôn, vượt đèo gần 2 km, 47 hộ dân trong thôn đã chung sức đóng góp ngày công, tiền của tới gần 1,1 tỷ đồng. Trưởng thôn Nguyễn Thành Dinh phấn khởi: nhân dân vùng khó vẫn còn nghèo, nhưng bàn tới làm giao thông là bà con hưởng ứng ngay, ai cũng “sướng” có đường to, đẹp. Chẳng phải riêng ở thôn vùng xa Bình Lâm mà giao thông thuận tiện luôn là mơ ước của mọi người dân Xứ Lạng. Cách đây hơn năm, Cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới – ông Lê Huy Ngọ hỏi người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng: xây dựng nông thôn mới, bà con “sướng” gì nhất? Chẳng ngần ngừ, hơn chục hộ được hỏi đều nói: “sướng” nhất là cứng hóa giao thông. Đợt khảo sát xã hội mới đây, 95% người dân xã Chi Lăng hài lòng với xây dựng nông thôn mới, 5% còn lại chưa hài lòng bởi giao thông đến họ chưa thực sự thuận tiện. Thuận với tâm tư, hợp với nguyện vọng, nên trong những năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, chủ trương hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn của tỉnh được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Có nơi nếu tính tỷ lệ đóng góp, thì sức dân phải chiếm tới 80%.

Ông Nguyễn Đình Đại, quyền Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh đã huy động được gần 120 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn. Trong đó, nhân dân đóng góp bằng tiền mặt lên đến 42,8 tỷ đồng; đóng góp vật liệu và ngày công quy ra tiền ước tính 33 tỷ đồng; tự nguyện hiến trên 280 nghìn mét vuông đất. Ngoài duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nhân dân trong toàn tỉnh đã mở mới được hơn 100 km; bê tông hóa hơn 300 km đường giao thông nông thôn. So với năm 2013, con số này tăng tới 21,8%; sức dân đóng góp tăng 92% so với cùng kỳ. Với xi măng, dầm thép tỉnh hỗ trợ, nhân dân đã đóng góp hoàn thành 24 cầu, ngầm trên các tuyến giao thông nông thôn. Tính hết năm 2014, toàn tỉnh đã có 2 xã nông thôn mới đạt chuẩn hoàn toàn về giao thông nông thôn; 12 xã cơ bản có mạng lưới giao thông cứng hóa, bê tông hóa đạt các tiêu chí nông thôn mới. Tính tỷ lệ trên tổng thể, đến đầu năm 2015, tuyến đường liên xã được cứng hóa đạt tỷ lệ 29,1%; đường trục thôn, xóm cứng hóa đạt 26,6%; đường nội thôn cứng hóa đạt 27,65% và đường nội đồng cứng hóa đạt 3,7%. So với mặt bằng chung, những con số ấy chưa phải là cao. Nhưng đối với tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn thì đó là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các cấp, ngành quản lý đến sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân.

Năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã thuộc 11 huyện, thành phố đạt xã nông thôn mới. Đối với ngành Giao thông – Vận tải, con số phấn đấu đạt chuẩn giao thông là 12 xã. Vừa tập trung các xã điểm, vừa quan tâm đến diện, con số phấn đấu ấy là rất cao. Tuy nhiên, với sự hưởng ứng của nhân dân, đây là chỉ tiêu rất khả thi.

VŨ NHƯ PHONG