Thứ sáu,  20/09/2024

Chuyển biến từ nhận thức

LSO-Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đã bước vào chặng cuối. Điểm nổi bật nhất được Ban chỉ đạo tỉnh đánh giá chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của quần chúng nhân dân, cán bộ về chương trình này. Chuyển biến về nhận thức dẫn đến thay đổi về hành động, đó là nền tảng để Xứ Lạng vững bước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhân dân xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình chung sức xây dựng nhà văn hóa thôn

Trước đây ở Văn Quan, hiến đất xây dựng các công trình công cộng là việc hiếm, nhưng giờ đây thì ngày càng nhiều người dân sẵn sàng để xây dựng nông thôn mới. Ông Vy Thế Hồng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Văn Quan chia sẻ: giờ đây việc xây dựng công trình công cộng ở xã, thôn, đặc biệt là xây dựng trường mầm non được triển khai rất thuận, bởi hầu hết người dân đều sẵn lòng hiến đất để tạo mặt bằng. Đây là chuyển biến rõ nét nhất trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chị Vi Thị Trầm, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan bộc bạch: đất thì quý thật, nhưng nếu cần phải đóng góp để xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới thì quý mấy cũng hiến. Với suy nghĩ ấy, cuối năm 2011, gia đình chị Trầm đã quyết định hiến trên 1.400 m2 đất ngay trung tâm xã để xây dựng trường mầm non. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo huyện, từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn huyện đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Tháng 10 vừa qua, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã tổ chức khảo sát xã hội đối với tất cả các hộ dân trên địa bàn về chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả là có đến 95% số hộ dân hài lòng với việc triển khai thực hiện chương trình. Khoan hãy nói đến tỷ lệ hài lòng, đồng thuận rất cao của người dân, nhìn vào cách làm của Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã cũng đã thấy rõ sự chuyển biến.  Trong cuộc kiểm tra xã Chi Lăng mới đây, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương: các đồng chí khảo sát được như vậy thì tốt quá. Khảo sát để nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó điều chỉnh cách làm, khắc phục hạn chế tạo sự đồng thuận, thống nhất cao hơn. Từ sự đồng thuận ấy, Chi Lăng có những cây cầu sức dân, có nhà văn hóa sức dân, những con đường sức dân, rồi thì cổng làng sức dân… Đây là yếu tố quyết định để xã Chi Lăng trở thành xã nông thôn mới trong năm 2015 này, nông thôn mới từ sức dân. Không chỉ ở Văn Quan hay Chi Lăng, mà từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, chuyển biến về nhận thức của các cấp và người dân đã rất rõ nét. Từ suy nghĩ nông thôn mới của của nhà nước và do nhà nước hỗ trợ, thì giờ đây nông thôn mới đang dần trở thành cuộc vận động lớn trong toàn xã hội, trong đó người nông dân phát huy vai trò của chủ thể. Thống kê sơ bộ, từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp trên 1,5 triệu ngày công lao động; khai thác hơn 150.000 m3 vật liệu và hiến hơn 500.000 m2 đất để củng cố, xây dựng hạ tầng nông thôn. Nguồn lực bằng tiền mặt nhân dân đóng góp trong những năm qua lên đến trên 300 tỷ đồng; nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác đóng góp cho nông thôn mới hơn 1.000 tỷ đồng.

Cuối tháng 11 vừa qua, hội đồng thẩm định của tỉnh đã họp để thẩm định tiêu chí nông thôn mới của các xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn), Chi Lăng (huyện Chi Lăng). Kết quả là cả hai xã này đã đạt 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia, chỉ chờ một số thủ tục nữa là sẽ được công nhận xã nông thôn mới. Mục tiêu của Ban chỉ đạo tỉnh năm 2015 là phấn đấu cho 11 xã tiếp theo trên địa bàn tỉnh đạt nông thôn mới. Kết quả và mục tiêu phấn đấu tiếp theo thể hiện sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trên mảnh đất địa đầu. Trong đó, chuyển biến về nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo thành công.

VŨ NHƯ PHONG