Thứ năm,  19/09/2024
Xây dựng nông thôn mới:

Quyết tâm ở các xã vùng khó

LSO-Khó khăn từ địa hình, hạ tầng đến điều kiện phát triển kinh tế nhưng một số xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn đã nỗ lực, quyết tâm vượt khó xây dựng nông thôn mới (NTM).
 Cầu treo được xây dựng ở xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập giúp người dân đi lại thuận lợi hơn

Bên cạnh tập trung chỉ đạo điểm những xã có điều kiện thuận lợi để đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, thì năm 2016, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh lựa chọn cả những xã khó khăn để chỉ đạo điểm. Trong đó có 5 xã: Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn; Cao Minh, huyện Tràng Định; Kiên Mộc, huyện Đình Lập; Vĩnh Yên, huyện Bình Gia và Hữu Lễ, huyện Văn Quan.

Được tập trung chỉ đạo điểm, các xã đặc biệt khó khăn nhận thêm được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp. Từ đó, nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cũng được nâng lên, hệ thống cơ sở hạ tầng như trường học, nhà văn hóa, điện… từng bước được đầu tư, xây dựng.

Từ sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức, tạo động lực quan trọng để phát huy nội lực, sự đoàn kết trong nhân dân. Trực tiếp đi kiểm tra tiến độ xây dựng NTM ở các xã khó khăn, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và khen ngợi sự nỗ lực, quyết tâm của bà con trong xây dựng NTM.

Quyết tâm không chỉ trên giấy, mà các xã vùng khó đã cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể. Ông Nông Văn Chuẩn, Chủ tịch UBND xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan cho biết: Khi có chủ trương làm đường, người dân trong xã đã nhiệt tình hưởng ứng bằng việc hiến đất, đóng góp công sức, tiền của. Từ đầu năm đến nay, người dân trong xã đã hiến được 6.840 m2 đất, cùng với nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã đã khởi công xây dựng được các tuyến đường Bản Chặng – Bản Só – Nà Lùng – Đon Chợ; đường từ UBND xã đến thôn Nà Ne….

Một xã khó khăn khác, thậm chí còn được đánh giá là khó khăn hơn xã Hữu Lễ. Song hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, ngoài việc tham gia hiến đất, đóng góp tiền của, công sức để xây dựng công trình hạ tầng, người dân xã Cao Minh, huyện Tràng Định còn chủ động tìm hướng phát triển kinh tế bền vững. Cụ thể, vẫn trên diện tích cây quế sẵn có, nhưng xã đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Thay vì mạnh nhà nào nhà đấy làm như trước, các hộ dân trong xã đã thành lập 6 tổ hợp tác trồng rừng. Hoạt động của các tổ hợp tác giúp cho các hộ dân chủ động từ cây giống, chăm sóc đến thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Ông Hồ Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hoạt động của các tổ hợp tác đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng và mô hình hợp tác sản xuất sẽ được xã nhân rộng sang các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi khác. Kinh tế từng bước ổn định chính là bước chuyển quan trọng, nền tảng trong xây dựng NTM ở xã.

Tương tự như 2 xã kể trên, đối với những xã khó khăn còn lại, cấp ủy, chính quyền và người dân cũng đã nâng cao nhận thức, tăng thêm quyết tâm để chung tay xây dựng NTM. Đến nay, các xã Kiên Mộc, Vĩnh Yên, Hữu Lễ đạt 4 tiêu chí; các xã Cao Minh, Nhất Tiến đạt 3 tiêu chí. Phấn đấu đến hết năm 2016, mỗi xã tăng thêm từ 2-3 tiêu chí.

Đối với 5 xã đặc biệt khó khăn được tỉnh chỉ đạo điểm xây dựng NTM giai đoạn 2016-2018, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, Ban chỉ đạo các huyện tiếp tục rà soát, ưu tiên với mỗi tiêu chí cụ thể của từng xã, từ đó sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, các xã cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, từ đó nâng cao tính chủ động, phát huy tốt nội lực để cùng với sự hỗ trợ của nhà nước sẽ từng bước xây dựng và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.      

TÂN AN