Thứ tư,  18/09/2024
Hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm:

Tín hiệu vui ở Chi Lăng

LSO-Thời gian qua, từ sự hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm của nhà nước đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, nâng cao giá trị nông sản của người dân trên địa bàn huyện Chi Lăng.
Người dân thị trấn Chi Lăng đóng gói sản phẩm na

Là một người thường xuyên ăn món cao khô, anh Phạm Anh Việt, khối Đèo Giang, phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) thường tìm các sản phẩm cao khô bán ngoài thị trường. Anh Việt cho biết: Một lần được người bạn tặng gói cao khô Vạn Linh, gia đình tôi ăn thấy ngon hơn hẳn những loại cao khô hay mì gạo đã từng ăn trước đó. Không chỉ ngon hơn mà nhờ bao bì sản phẩm, tem mác được dán, tôi biết được ngày sản xuất, hạn sử dụng, địa chỉ cụ thể và số điện thoại để đặt hàng, đây là những thông tin mà các sản phẩm gia đình tôi mua trước đó đều không có. Đảm bảo chất lượng, yên tâm về nguồn gốc xuất xứ nên cao khô Vạn Linh hiện nay luôn là lựa chọn số 1 của gia đình.

Cùng với việc giúp người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, việc hỗ trợ bao bì sản phẩm còn giúp nâng cao uy tín, giá trị cũng như thương hiệu sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Mạnh, lái xe tuyến Hải Dương – Lạng Sơn cho biết: Nhiều năm lái xe qua địa bàn huyện Chi Lăng, vụ na năm nào, tôi cũng như nhiều hành khách đều dừng mua na. Nhưng vụ na năm 2017 là khác biệt nhất bởi ngoài chất lượng quả na thơm ngon ra thì na còn được đóng hộp cẩn thận, có tem nhãn, địa chỉ cụ thể nên ngoài việc mua na để ăn, nhiều người còn mua thêm để làm quà biếu. Na được đóng vào hộp vừa trang trọng, tránh được va đập, lại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên người mua yên tâm.

Không chỉ người mua hài lòng với các sản phẩm vừa có chất lượng tốt, lại có hình thức đẹp, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng mà những người trực tiếp được hỗ trợ là hưởng lợi nhiều nhất. Bà Triệu Thị Thảo, Tổ sản xuất cao khô Vạn Linh cho biết: Năm 2017, tổ sản xuất cao khô Vạn Linh được nhà nước hỗ trợ bao bì, tem nhãn sản phẩm. Chỉ sau một thời gian, việc hỗ trợ đã đem lại kết quả tích cực. Ví dụ như trước đây ở mỗi phiên chợ, để phân biệt cao khô Vạn Linh với những loại cao khô nơi khác bằng mắt thường rất khó. Thế nhưng từ khi có bao bì, người mua dễ dàng phân biệt và yên tâm lựa chọn sản phẩm. Không những vậy, với những thông tin cơ bản được công khai trên bao bì, nhiều người đã trực tiếp gọi điện đến để đặt hàng. Qua đó, sản lượng cao khô bán ra tăng thêm. Hiện nay, trung bình mỗi phiên chợ (5 ngày/phiên), gia đình tôi cùng các hộ khác trong tổ sản xuất bán được khoảng 1.000 bó cao khô/hộ. Cơ bản sản phẩm sản xuất ra đều được tiêu thụ hết, nếu thị trường được mở rộng thì sản lượng của bà con hoàn toàn có thể tăng lên cao hơn nữa.

Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Vạn Linh đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho một số hộ gia đình ở thôn Phố Cũ (các hộ dân đối ứng 150 triệu đồng) để xây dựng hệ thống sân phơi, nhãn mác bao bì cao khô. Cũng trong năm 2017, cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng đã chỉ đạo xây dựng mô hình phát triển sản phẩm na Chi Lăng gắn với việc hỗ trợ bao bì, nhãn mác bao gói sản phẩm na cho các tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ  trên 67.000 hộp cát tông đựng na các loại; trên 1.000 cuộn băng dính in logo na Chi Lăng và 90 nghìn tem nhãn dán quả. Qua đó, góp phần giúp giá  trị sản phẩm tăng 30% so với giá năm 2016; giá trị kinh tế ước đạt trên 400 tỷ đồng, tăng trên 100 tỷ đồng so với năm 2016. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ tem nhãn, bao gói nhận diện và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm khác như: bưởi Diễn, mật ong, rau an toàn…

Bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Việc hỗ trợ bao bì, nhãn mác đã làm thay đổi tư duy sản xuất và quá trình phân loại, tiêu thụ sản phẩm của các hộ đăng ký tham gia thực hiện mô hình được thuận tiện, góp phần nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu cho sản phẩm na Chi Lăng trên thị trường. Ngoài ra, còn thu hút được một số doanh nghiệp tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Từ kết quả bước đầu của năm 2017, năm 2018, huyện tiếp tục hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm, trong đó vẫn tập trung một số sản phẩm chủ lực như: na, cao khô, rau an toàn và một số loại nông sản khác. Qua đó góp phần quảng bá, nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn.

ĐÌNH QUYẾT