Thứ năm,  19/09/2024

Nghệ nhân tâm huyết với then cổ của dân tộc Tày, Nùng

(LSO) – Đến với bản Chọc Loọc, thôn Ích Hữu, xã Đại An, huyện Văn Quan, hỏi thăm tới nhà ông Hoàng Văn Hương (Pháp Tào Hương), sinh năm 1953, dân tộc Nùng, không ai là không biết. Hơn 43 năm học và thực hành then cổ, ông là một trong những nghệ nhân trong tỉnh có nhiều tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc Tày, Nùng.

Ông Hương cho biết: “Năm 1974, tôi bắt đầu theo học nghề. Sau đó, tôi được thầy làm lễ cấp sắc năm 1975 và chính thức hành nghề cho đến nay. Năm 1981, với quá trình hoạt động và đã truyền nghề cho các học trò cả thầy then và thầy tào, tôi được nâng cấp lên 9 dây. Sau đó, tôi tiếp tục được nâng cấp lên 11 dây (năm 1991), 13 dây (năm 1996), 15 dây (năm 2001), và 17 dây (năm 2006), đây cũng là số dây cao nhất, là bậc cuối cùng của một thầy then tín ngưỡng”.

Từ khi hành nghề, ông Hương thường xuyên tham gia thực hành các nghi thức, nghi lễ, theo phong tục tập quán truyền thống của đồng bào Tày, Nùng trong và ngoài tỉnh như: lễ đặt bàn thờ mụ cho trẻ sơ sinh, giải hạn, cắt giải đào hoa, cầu an, cầu phúc cầu tài, lễ mừng sinh nhật, cầu thăng niên thăng thọ cho người cao tuổi, cầu sức khỏe, cầu cho mùa màng bội thu… và các nghi lễ khác.

Nghệ nhân Hoàng Văn Hương, bản Chọc Loọc, thôn Ích Hữu, xã Đại An, huyện Văn Quan bên bàn thờ then của mình

Từ năm 1990 đến nay, ngoài việc trực tiếp thực hành tín ngưỡng then, ông Hương còn truyền dạy cho 7 học trò (trong đó có 2 học trò then tín ngưỡng và 5 học trò có thể hành nghề then và làm thầy tào). Đồng thời, trở thành điểm tựa tinh thần cho 20 con cầu, 150 con ký (trong đó 60 người đã trả lễ, xin lại ngày, tháng, năm sinh về xây dựng gia đình) và nhiều bà con khác trong bản, làng cũng như nhiều người trong và ngoài huyện.

Trong quá trình thực hành tín ngưỡng then, ông Hương còn phối hợp với các báo, đài, các vụ viện trung ương và địa phương thực hiện các tin bài, phóng sự, phim tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản then. Năm 1996, ông  Hương được Thông tấn xã Việt Nam đến tận bản Chọc Loọc để ghi hình buổi then cấp sắc, thực hiện bộ băng đĩa giới thiệu “Dân tộc Nùng ở Việt Nam”; năm 2017 phối hợp cung cấp các thông tin, tư liệu phục vụ Giáo sư Holm David Leopold (người Úc) cùng đoàn cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển các Dân tộc thiểu số Miền núi và Lưu vực sông Hồng nghiên cứu về ngôn ngữ và chữ viết của then, mo và các loại hình sli, lượn trong tiếng Tày, Nùng của người Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình.

Anh Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn, người nhiều lần có cơ hội tiếp xúc với ông Hương nhận xét: “Then là tín ngưỡng đặc trưng và tiêu biểu của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, mỗi một vùng miền có nét tiêu biểu riêng. Ông Hương là một trong những người của huyện Văn Quan nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung rất am hiểu về các đường then, có tâm huyết và đam mê với then cổ. Ông là tấm gương sáng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Tày, Nùng”.

Do có nhiều công lao trong việc thực hành, phát huy và truyền dạy di sản văn hóa then của dân tộc Tày, Nùng trong cộng đồng, tháng 6/2019, ông Hoàng Văn Hương vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình “Tập quán xã hội và tín ngưỡng”.

HOÀNG HIẾU