Thứ tư,  18/09/2024

Làm giàu từ trồng hoa lan rừng

(LSO) – Xuất phát từ niềm đam mê đặc biệt với hoa lan, nhất là các loại phong lan rừng, đến nay, anh Phạm Công Minh, sinh năm 1983, ở thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình đã sưu tầm, gây dựng được vườn lan rừng độc đáo với nhiều loại quý hiếm, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có dịp đi trên quốc lộ 4B, đoạn thôn Bản Lầy, xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình, chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ bởi sự đa dạng của các loại lan rừng từ nguyên bản đến nhân giống, với những giỏ lan rừng treo lúc lỉu trong vườn anh Phạm Công Minh.

Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề trồng hoa lan, anh Minh chia sẻ: “Trước đây, tôi từng có thời gian làm cán bộ tư pháp tại UBND thị trấn Lộc Bình. Tuy nhiên, sau khoảng 8 tháng công tác, cảm thấy công việc không phù hợp với bản thân nên tôi đã quyết định xin nghỉ về nhà phát triển kinh tế. Nói là vậy nhưng đó là một khoảng thời gian khó khăn với tôi, bởi thời điểm đó tôi cũng chưa tìm được hướng đi cho mình…”.

Anh Phạm Công Minh chăm sóc hoa lan

Sau khi nghỉ việc, anh Minh dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc những giỏ lan rừng mà hằng ngày anh vẫn chăm sóc. Bởi với anh, trồng và chăm sóc hoa lan là một niềm đam mê từ khi còn nhỏ, anh luôn ao ước có một vườn lan nhỏ để thỏa thích ngắm nghía. Anh không hề nghĩ rằng, niềm đam mê này lại chính là hướng phát triển kinh tế chính của gia đình.

Khi những nhánh lan rừng của anh bung hoa, vô tình có người quen đến chơi hỏi mua và trả giá cao, khi đó, anh Minh mới nghĩ đến việc kinh doanh hoa lan. Và đến đầu năm 2013, anh có ý tưởng mở vườn sưu tầm các loại hoa lan, phục vụ người chơi lan không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh khác.

Tuy nhiên, khi ý tưởng đó được đưa ra bàn với gia đình thì ai cũng can ngăn, anh Minh tâm sự: “Hồi đó, tôi cũng không có nhiều vốn, tính vay mượn người thân nhưng ai cũng cản. May mắn lại mượn được của bạn bè với số tiền hơn 100 triệu đồng, tôi làm từng bước, từ khâu đi lấy giống đến khâu nhân giống, chăm sóc. Ban đầu, tôi vào rừng “săn” tìm các loại hoa lan, sau đó, tôi nhờ người dân bản địa tìm và bán lại cho mình, dần dần, ở nơi nào có lan rừng quý hiếm, tôi đều có người cung cấp cho”.

Sau 8 năm nỗ lực, kiên trì, hiện anh Minh đã là “ông chủ” của 2 vườn lan với tổng diện tích gần 1.300 m2 với hơn 1.600 giỏ lan các loại. Trong đó, chủ đạo vẫn là lan rừng như: Nghinh xuân, Phi điệp, Da báo, Đuôi cáo… Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc lan rừng, anh Minh cho biết: “Làm gì cũng cần có đam mê và tâm huyết. Tôi vốn là người không có kiến thức gì liên quan đến lan, nhất là lan rừng, nhưng khi đã thích và đam mê thì tôi tự tìm cách học hỏi. Qua học hỏi từ sách báo và những người có kinh nghiệm trồng lan, tôi dần đúc rút được nhiều kiến thức, kỹ năng, vốn hiểu biết về lan rừng. Trong đó, điều quan trọng nhất là môi trường, bởi mỗi loại lan có một đặc tính khác nhau, môi trường, nhiệt độ thích nghi cũng khác nhau”.

Hiện nay, toàn bộ vườn lan của anh đều được phủ lưới bên trên che chắn cẩn thận. Từ những loài lan bông nhỏ đến những loại lan bông to, phong lan, địa lan, anh đều mang về và “thuần hóa” trong vườn nhà.

Đến nay, khách hàng mua hoa lan của anh Minh không chỉ đến từ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh khác như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán ra thị trường khoảng 200 giỏ lan, tháng nhiều nhất lên đến 500 giỏ với các mức giá khác nhau, từ 100 nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng/giỏ, tùy loại lan. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh có thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng lan.

NGỌC MAI - KIM HUYÊN