Thứ năm,  19/09/2024

Hội viên nông dân vươn lên từ mô hình “vườn – ao – chuồng”

– Những năm qua, nhờ triển khai sâu, rộng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh giỏi”, trên địa bàn thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc đã xuất hiện nhiều hội viên nông dân năng động, sáng tạo với các mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, hội viên Vy Thanh Tùng, Chi hội Nông dân khối 4 là một điển hình.

Anh Vy Thanh Tùng, sinh năm 1991 trong một gia đình thuần nông ở thị trấn Cao Lộc. Kinh tế gia đình chủ yếu từ đồng ruộng, thu nhập bấp bênh, do đó, anh luôn trăn trở tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Với quyết tâm đó, ngay từ năm 2006, anh đã bắt tay vào đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi trên diện tích đất 3.000 m2 do ông cha để lại. Để thực hiện, anh đã vay vốn từ người thân, bạn bè xây dựng mô hình chăn nuôi lợn. Ban đầu, anh chỉ nuôi với số lượng ít, thấy hiệu quả kinh tế, anh từng bước tăng đàn. Hiện nay, trung bình mỗi năm, anh xuất bán khoảng 30 con lợn,  thu nhập khoảng 180 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh còn chăn nuôi thêm 300 con gia cầm như: gà, vịt… vừa lấy trứng vừa bán thịt, mỗi năm xuất bán trên 150 con.

Anh Vy Thanh Tùng chuẩn bị thức ăn chăn nuôi để giao cho khách

Không dừng lại ở đó, cũng trong năm 2006, từ diện tích trên 700 m2 đất vườn kém hiệu quả, anh đào ao nuôi các loại cá như: cá chép, cá trắm, cá rô phi… Đồng thời, đến năm 2014, với diện tích 1.000 m2 đất vườn còn lại, anh chuyển đổi sang trồng các loại cây lâu năm như: mận, hồng, trám đen, trám trắng… cũng đã đem lại thu nhập ổn định hằng năm.

Năm 2015, gia đình anh Tùng tiếp tục mua sắm thêm các dụng cụ để nấu rượu men lá nhằm tăng thu nhập và tận dụng bỗng chăn lợn. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh bán ra thị trường từ 1.000 đến 2.000 lít rượu. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con quanh vùng, gia đình anh còn mở cửa hàng bán các loại thức ăn chăn nuôi, giúp gia đình anh tăng thêm thu nhập.

Anh Tùng cho biết: “Khi mới thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tôi cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và khó khăn về thị trường. Không nản chí, tôi vừa làm vừa học hỏi trên mạng; tham gia các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức; đi tham quan các mô hình ở trong và ngoài tỉnh để rút kinh nghiệm dần”.

Nhờ phát triển hiệu quả mô hình “vườn – ao – chuồng”, từ năm 2018 đến nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Tùng thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm sản xuất, anh Tùng cho biết: “Đầu tiên cần xác định trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với điều kiện của địa phương. Nguồn thu từ nông nghiệp phụ thuộc vào vụ mùa nên cần lấy ngắn nuôi dài, đa dạng các loại hình sản xuất. Đặc biệt là cập nhật tin tức về giá cả thị trường, kỹ thuật chăn nuôi mới để rút kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế”.

Bà Hứa Mai Hường, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Lộc cho biết: Anh Tùng là hội viên nông dân năng động phát triển kinh tế. Anh đã vươn lên bằng chính niềm đam mê với nghề nông, sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, anh luôn tích cực tham gia các hoạt động do hội nông dân tổ chức, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hội viên nông dân khác khi có nhu cầu.

Với những nỗ lực của bản thân, tháng 11/2021, anh vinh dự được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.

HIỂU LAM - MAI LINH