Thứ sáu,  20/09/2024

Tấm gương sáng trong phòng, chống dịch COVID-19

– Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh vẫn ngày đêm làm việc, lặng thầm cống hiến, góp phần cùng cả hệ thống chính trị phòng, chống dịch. Chị Hứa Thị Phượng, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Văn Lãng là một trong những điển hình như thế.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ, chị Hứa Thị Phượng luôn nghĩ chỉ có con đường học tập mới có thể thay đổi cuộc đời mình. Vì thế,  chị luôn nỗ lực học  tập, năm 2001, chị thi đỗ vào học lớp Điều dưỡng, Trường Trung cấp Y tế Lạng Sơn (nay là Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn). Sau 3 năm nỗ lực, cố gắng học tập, năm 2005, chị Phượng được nhận vào làm việc tại Khoa Nội, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Văn Lãng. Chị Hứa Thị Phượng cho biết: Vừa làm tốt công việc chuyên môn, tôi cố gắng cập nhật thêm nhiều kiến thức về y học và nhận thấy mình cần phải phấn đấu học tập để phục vụ bà con tốt hơn. Năm 2008, tôi đã thi đỗ Trường Đại học Y tế công cộng (Hà Nội) và tốt nghiệp năm 2012 với bằng cử nhân y tế công cộng. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi trở về TTYT Văn Lãng công tác, từ năm 2014 đến nay, tôi được phân công thực hiện nhiệm vụ về mảng y tế dự phòng của đơn vị.

Chị Hứa Thị Phượng

Công việc của cán bộ y tế làm công tác dự phòng không đơn giản như mọi người suy nghĩ, từ việc xây dựng văn bản tham mưu cho cấp trên về công tác dự phòng; thực hiện tốt công tác truyền thông, tiêm chủng, theo dõi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Khi có dịch bệnh thì cán bộ y tế dự phòng đến từng ổ dịch để điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch… Vì vậy, việc họ không ăn cơm nhà và làm việc xuyên đêm là bình thường.

Tại Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, TTYT Văn Lãng có 10 cán bộ nhưng chỉ có 3 cán bộ phụ trách công tác y tế dự phòng. Trực tiếp phụ trách mảng y tế dự phòng, chị Phượng cùng 2 đồng nghiệp nam đã nỗ lực hết mình vì công việc, không quản ngại gian khổ, nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng công dân xuất, nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, chị cùng đồng nghiệp đã trực tiếp đưa hơn 1.000 công dân từ các đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn về các khu vực cách ly tập trung của tỉnh đảm bảo an toàn.

Năm 2021, trong đợt dịch bùng phát tại các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, được cấp trên phân công nhiệm vụ, chị Phượng đã trực tiếp xuống Bắc Giang để đón 720 công nhân làm việc tại đây trở về địa phương cách ly, theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại các khu vực cách ly tập trung của huyện theo đúng quy định. Cùng với đó, chị tham gia thực hiện rà soát chặt chẽ tất cả các trường hợp từ vùng dịch về địa phương, hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe theo đúng quy định của Bộ Y tế; tham gia điều tra, truy vết các trường hợp nghi ngờ, liên quan đến các ca mắc COVID-19… Bên cạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch, chị Phượng đã trực tiếp tham gia hỗ trợ tiêm chủng tại 6/17 xã, thị trấn, góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao mức bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn huyện.

Chị Phượng chia sẻ: Vất vả nhất đối với tôi và các đồng nghiệp là giai đoạn dịch bệnh bùng phát tại xã Tân Thanh (tháng 7/2021), tại thị trấn Na Sầm (tháng 8/2021) và tại xã Hội Hoan (tháng 11/2021). Trong thời gian đó, 5 tháng, tôi không về với gia đình mà trực tiếp phối hợp với các lực lượng liên quan đến từng địa bàn để hỗ trợ công tác phòng dịch, thần tốc truy vết, khoanh vùng ổ dịch. Nhiều đêm liền, tôi cùng các đồng nghiệp phải thực hiện truy vết, lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm. Mặc dù vất vả, gian khổ, nguy hiểm nhưng tôi  luôn được gia đình động viên, ủng hộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bác sĩ Đỗ An Hiển, Giám đốc TTYT Văn Lãng cho biết: Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy với công việc, chị Phượng luôn được ban giám đốc trung tâm và đồng nghiệp tin tưởng, đánh giá cao. Với nỗ lực hết mình vì an toàn và sức khỏe của Nhân dân, chị Phượng đã đóng góp đáng kể cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Từ ngày 6/5/2021 đến ngày 16/3/2022, Văn Lãng đã có 2.319/4.495 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị khỏi; hơn 8.000 trường hợp F1 và trên 4.000 F2 được theo dõi, quản lý và hoàn thành cách ly đúng quy định. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, đạt 93,1%; tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 72,5%.

Với những nỗ lực của bản thân, năm 2020, chị Phượng được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, chị vinh dự là đại diện duy nhất của ngành y tế tỉnh và là 1 trong 150 cán bộ y tế tiêu biểu trong cả nước được gặp  Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2022).

TRIỆU THÀNH