Thứ sáu,  20/09/2024

“Cuộc sát hạch” quan trọng

Hội đồng Bầu cử Ê-ti-ô-pi-a đã quyết định tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 8 tới. Từ nay đến khi diễn ra cuộc bầu cử, vốn được xem là “cuộc sát hạch” về sự ủng hộ của cử tri đối với Thủ tướng A.A-mét, thách thức với nhà lãnh đạo Ê-ti-ô-pi-a là không ít, từ cải cách kinh tế đến khôi phục ổn định chính trị.

“Cuộc sát hạch” quan trọng

Một phiên họp tại Quốc hội Ê-ti-ô-pi-a.

 

Nhằm hạn chế tác động tiêu cực của mùa mưa, cuộc bầu cử Quốc hội Ê-ti-ô-pi-a vừa được ấn định diễn ra ngày 29-8 tới, muộn hơn hai tuần so dự kiến ban đầu. Trước đó, kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng địa phương vào tháng 5 đã bị hoãn, do cả chính quyền và các đảng đều chưa sẵn sàng. Cuộc bầu cử sắp tới được xem là “liều thuốc thử” về sự ủng hộ của cử tri Ê-ti-ô-pi-a đối với Thủ tướng A.A-mét, kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2018.

Tại thời điểm chính thức nhận nhiệm vụ cách đây hai năm, Thủ tướng A.A-mét cam kết mở cửa nền kinh tế, chào đón các nhà đầu tư, định hướng hiện đại hóa ngành ngân hàng, viễn thông và tạo nhiều việc làm cho người dân. Các biện pháp cải cách của Thủ tướng đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Ê-ti-ô-pi-a. Cuối năm 2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua khoản cho vay trị giá 2,9 tỷ USD và khẳng định ủng hộ sáng kiến cải cách kinh tế của Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a, giúp hạn chế tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô, đồng thời đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Theo IMF, kế hoạch cải cách kinh tế của Ê-ti-ô-pi-a được xây dựng dựa trên nhu cầu và khả năng của đất nước. Sáng kiến này ngoài việc khắc phục tình trạng thiếu ngoại tệ, còn làm giảm các khoản nợ xấu, cũng như cải cách ngành tài chính, tăng thu nhập của người dân thông qua hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, nâng cao tay nghề. Chính sách tiền tệ của Ê-ti-ô-pi-a đặt mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát xuống mức một con số, tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái, qua đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Kế hoạch cải cách của Thủ tướng A.A-mét bước đầu khẳng định quyết tâm của Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a trong xây dựng hòa bình và thịnh vượng của đất nước. Tuy nhiên, quá trình cải cách cũng không tránh khỏi việc bị các nhóm đối lập công kích, dẫn tới các cuộc bạo lực sắc tộc. Các cuộc tuần hành phản đối chính phủ nổ ra ở thủ đô A-đi A-bê-ba cuối tháng 10-2019 đã nhanh chóng bùng phát thành đụng độ sắc tộc và tôn giáo.

Thủ tướng A.A-mét nhiều lần kêu gọi người dân đoàn kết trước âm mưu phá hoại đất nước. Ông cũng không ít lần đề cao giải pháp đối thoại như một lựa chọn ưu tiên để giải quyết bất đồng. Chính cách thức này cũng được nhà lãnh đạo Ê-ti-ô-pi-a áp dụng trong việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng và trong khu vực. Đáng chú ý, trong quan hệ với Ê-ri-tơ-ri-a, với “Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị” được ký kết, Thủ tướng A.A-mét đã được vinh danh giải Nô-ben Hòa bình năm 2019. Thỏa thuận hòa bình đã mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng sau 20 năm thù địch, vốn là hệ quả trực tiếp của cuộc chiến tranh biên giới trong những năm 1998-2000.

Giới chuyên gia nhận định, từ nay đến khi cuộc bầu cử Quốc hội Ê-ti-ô-pi-a diễn ra, Thủ tướng A.A-mét còn không ít việc cần làm, từ tiếp tục cải cách kinh tế, bình ổn tình hình trong nước, đến thúc đẩy hội nhập. Trước hết là bảo đảm tổ chức một cuộc bỏ phiếu tự do và công bằng. Với Thủ tướng A.A-mét và Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a, kỳ bầu cử sắp tới là “cuộc sát hạch” quan trọng, song cũng là cơ hội rất tốt để chứng tỏ năng lực điều hành đất nước.

Theo Nhandan