Thứ sáu,  20/09/2024

Căng thẳng tái diễn giữa hai nước Armenia và Azerbaijan

Quyền Thủ tướng Armenia cho biết quân đội Azerbaijan đã tiến sâu hơn 3km vào khu vực phía Nam Armenia và có kế hoạch “bao vây” Hồ Sev Lich.

Cang thang tai dien giua hai nuoc Armenia va Azerbaijan hinh anh 1
Khói bốc lên sau một vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, ngày 4/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/5, quyền Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc quân đội Azerbaijan vượt biên xâm nhập vào lãnh thổ phía Nam của nước này.

Phía Azerbaijan đã bác bỏ thông tin này.

Phát biểu trong cuộc họp khẩn với hội đồng an ninh được triệu tập ngay sau đó, ông Pashinyan cho biết quân đội Azerbaijan đã tiến sâu hơn 3km vào khu vực phía Nam Armenia và có kế hoạch “bao vây” Hồ Sev Lich.

Ông Pashinyan nêu rõ quân đội Armenia đã có phản ứng phù hợp với động thái trên, đồng thời nhấn mạnh căng thẳng mới này cần phải giải quyết thông qua đối thoại.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan ngay lập tức đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của Armenia mà họ gọi là “mang tính kích động,” Tuyên bố nhấn mạnh lực lượng biên phòng Azerbaijan chỉ triển khai quân trong khu vực thuộc chủ quyền của Azerbaijan tại hai huyện Lachin và Kalbajar.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng khẳng định cam kết hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực và hối thúc có các bước đi nhằm thực hiện mục tiêu này.

Giữa Amernia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng kéo dài liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.

Xung đột lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9/2020 đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người.

Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian, nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo dài 1 tháng rưỡi tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Giao tranh ngừng vào ngày 10/11/2020 và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã triển khai tại Nagorny-Karabakh để giám sát thỏa thuận ngừng bắn./.

Theo Vietnamplus