Ở một cấp độ thấp hơn, Croatia bị Morocco cầm hòa, trong khi Tunisia cũng chơi một trận để đời với Đan Mạch, cho một trận hòa khác. Đấy là chúng ta còn chưa nói đến việc Canada suýt nữa có niềm vui trước Bỉ được đánh giá cao hơn và thua một cách thật bất công. Và các fan bóng đá chờ đợi có thêm nhiều cú sốc tiếp theo trong những ngày tới.

Câu hỏi đặt ra là bao giờ những điều đó xảy ra, và xảy ra như thế nào khi các đội bóng được đánh giá cao giờ đã trở nên cảnh giác hơn? Sự sa sút của Argentina và Đức, chiến thắng thiếu thuyết phục của Bỉ phải chăng là vì các cầu thủ đã quá tải trong một giai đoạn quá dài?

Thư từ Qatar: Một World Cup đảo ngược?
     Tiền vệ Bruno (thứ hai, từ phải sang) tự tin đội tuyển Bồ Đào Nha sẽ tiến sâu ở kỳ World Cup này. 

Thực tế cho thấy, những bất ngờ hầu hết chỉ xảy ra trong giai đoạn đầu tiên của giải, còn sau đó, những cú sốc ít hoặc không còn xảy ra nữa. Thống kê chỉ ra rằng, kể từ World Cup 1974 đến trước World Cup này, có 36 lần các đội tuyển châu Âu vào bán kết, với Nam Mỹ là 11 đội (luôn là Argentina, Brazil và Uruguay).

Chỉ một lần bóng đá châu Á làm được điều này, đó là Hàn Quốc, nhưng đó là khi FIFA để Nhật Bản và Hàn Quốc đăng cai World Cup 2002. Không một đội bóng châu Phi nào làm được điều đó, khi họ đi xa nhất là đến tứ kết (Ghana, Senegal, Cameroon).

Không đội bóng Bắc Mỹ nào đi xa đến thế. Điều đó cũng tương tự như ở nhiều giải vô địch quốc gia châu Âu, với những hiện tượng xuất hiện trong thời gian đầu, nhưng sau đó, trật tự sẽ được các đội bóng lớn lặp lại. World Cup cũng thế. Đấy là một quy luật.

Câu hỏi là tại sao Argentina thua? Phải chăng vì họ đã chơi một lối chơi quá đơn điệu, với các cầu thủ được đánh giá quá cao, với một Messi không phải lúc nào cũng là Messi. Đức thất bại không phải vì họ đã chơi tồi trong hiệp hai, mà vì đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trong hiệp một đến khó tin.

Nhưng cú vấp ngã của họ bây giờ không còn làm ai há hốc mồm ngạc nhiên nữa. Họ đã thua Bắc Macedonia và Hungary trong những tháng trước World Cup, đã chơi một cách chủ quan trước Nhật Bản và xứng đáng thất bại. Nhưng theo nhìn nhận của cựu huấn luyện viên huyền thoại Arrigo Sacchi, chiến thắng của Saudi Arabia và Nhật Bản chẳng có gì quá bất ngờ.

“Họ có lòng dũng cảm, có lối chơi và biết tận dụng tốt các sai lầm của đối thủ”, ông viết. “Ở World Cup này, tất cả các trận đấu đều giống như những trận đánh lớn. Các cầu thủ chơi hết mình bởi họ hiểu rằng, đằng sau họ là cả quốc gia. Argentina và Đức thất bại trước hết vì họ không thể hiện được sự vượt trội về kỹ thuật, và sau đó, tỏ ra yếu hơn trên phương diện tập thể”.

Những đánh giá của Arrigo Sacchi đều đúng. Xem Saudi Arabia và Nhật Bản thi đấu, kể cả Tunisia cũng như Morocco và Canada, đều chơi một thứ bóng đá mạnh mẽ và đầy sức sống. Nhưng để nói họ có thể đi xa đến đâu, thậm chí nhấn mạnh đến một trận bán kết giữa Nhật Bản và Saudi Arabia, giả dụ thế, còn quá sớm, quá vội vàng. Đây mới chỉ là lượt đấu đầu tiên của World Cup. Đức đã thua Algeria ngay ở trận đầu Espana 1982, sau đó vẫn lọt vào trận chung kết. Tây Ban Nha cũng đã thua Thụy Sĩ ở trận đầu World Cup 2010, để rồi cuối cùng vẫn đoạt cúp vàng. Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước.

Chỉ có điều, 4 năm trước trên đất Nga, ở vòng đấu đầu tiên, Đức thua Mexico và Argentina gục ngã trước Iceland. Lịch sử đã lặp lại ở World Cup 2022 này. Và nếu hành trình thất bại của họ lặp lại lần nữa, Đức sẽ bị loại ở vòng bảng và Argentina rớt đài từ vòng 1/8. Đó sẽ là những cơn ác mộng thực sự với các cổ động viên của họ. Nhưng điều đó cũng sẽ làm cho World Cup trở nên điên rồ hơn, hấp dẫn hơn, phải vậy không?