Một mũi nhọn của nền kinh tế

Ngôi sao Neymar Jr đang là cầu thủ bóng đá hưởng lương cao nhất 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu với 54 triệu USD/năm trước thuế từ Paris Saint-Germain. Tuy nhiên, thực lĩnh của Neymar Jr chỉ là 33 triệu USD, số tiền 21 triệu USD còn lại là tiền thuế thu nhập cá nhân mà tiền đạo người Brazil phải đóng cho Chính phủ Pháp. Tương tự, ngoại hạng Anh và Giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha áp mức thuế thu nhập cá nhân cho cầu thủ lên tới 45% tiền lương; Giải vô địch quốc gia Italy áp mức thuế 43%…

Theo Beyond Football, trong những năm gần đây, ngoại hạng Anh đóng góp hơn 10 tỷ USD/năm vào GDP của Vương quốc Anh. Số tiền mà 20 câu lạc bộ (CLB) của Premier League tạo ra năm 2022 lớn hơn một nửa lĩnh vực nông nghiệp của xứ sương mù. Theo statista.com, quy mô thị trường kinh tế thể thao của Mỹ năm 2021 đạt 64,8 tỷ USD, dự đoán đến năm 2030 là 112,2 tỷ USD. Trong đó, tổng doanh thu của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ mùa giải 2021-2022 đạt 10 tỷ USD, riêng đội vô địch Golden State Warriors đạt doanh thu 765 triệu USD. Ở nhiều quốc gia phát triển, thể thao là một mũi nhọn của nền kinh tế thông qua các loại hình dịch vụ như: Du lịch thể thao, hàng hóa thể thao, hoạt động thể thao nghiệp dư, nhà nghề, tài trợ thể thao…

Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam đã bán được bản quyền truyền hình. Ảnh: VIỆT TRUNG 
Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam đã bán được bản quyền truyền hình. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Tất nhiên, chẳng thể so sánh thể thao Việt Nam với  Mỹ, Anh hay Pháp. Dù thể thao Việt Nam đang phát triển lớn mạnh song khía cạnh kinh tế thể thao vẫn chưa có chiến lược bài bản. Nhắc đến thể thao Việt Nam, nhiều người cho rằng đây là lĩnh vực tiêu ngân sách mà chưa tạo ra được nguồn lực đóng góp cho nền kinh tế. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Việt Nam đang hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động kinh tế thể thao ở Việt Nam chưa sôi động, còn ở dạng tiềm năng, chờ đợi những cơ hội đầu tư, khai phá nếu có chính sách kinh tế phù hợp”.

Không dễ gỡ “nút thắt” về cơ chế

Phát triển kinh tế thể thao không chỉ mang lại lợi ích cho ngành thể thao mà còn kích thích sự phát triển các ngành khác. Kinh tế thể thao thời gian qua được nhắc nhiều trong các hội thảo, tọa đàm ở Việt Nam nhưng chủ yếu vẫn chỉ là “nói cho sang” bởi giữa lý thuyết và thực tiễn vẫn còn khoảng cách lớn.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Lim Song, Chủ tịch Công ty VSP cho biết, đến nay, giá trị của nền công nghiệp thể thao Hàn Quốc được định giá khoảng 54 tỷ USD, dự kiến đến năm 2027 sẽ đạt 75 tỷ USD. “Thành công từ việc đăng cai Olympic năm 1988 đã tạo ra sự thay đổi lớn. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa thể thao trở thành một trong những trụ cột kinh tế, từ đó xây dựng các thiết chế và quy định hành lang pháp lý để thúc đẩy nền công nghiệp thể thao phát triển. Luật quy định các trường học phải có những sân tập thể thao tiêu chuẩn, từ đó tạo hứng thú về thể thao đối với các em ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc lập ra hai công ty kinh doanh cá cược thể thao và toàn bộ lợi nhuận được đầu tư ngược lại cho thể thao”, ông Lim Song chia sẻ.

Mặc dù thành tích thi đấu quốc tế không ngừng được nâng cao và nhận được sự quan tâm lớn của xã hội nhưng quy mô kinh tế thể thao Việt Nam hiện ước đạt 300 triệu USD, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao trăn trở: “Kinh tế thể thao Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, mà nút thắt lớn nhất chính là các cơ chế, chính sách liên quan đến cơ sở vật chất. Ví dụ như sân Hàng Đẫy có tới 3 CLB chuyên nghiệp chọn làm sân nhà tập luyện và thi đấu. Các CLB chuyên nghiệp nếu không có sân riêng, cơ sở vật chất không đủ tốt sẽ không bao giờ phát triển được kinh doanh thể thao, bởi vì nguồn thu từ sân vận động là rất lớn. Hiện chúng ta chưa có chính sách giao sân cho các CLB để họ chủ động trong việc kinh doanh, tạo thêm nguồn thu. Trong khi ở nhiều nước đã có chính sách giao sân cho các doanh nghiệp, hoặc nhà nước, chính quyền có thể cho thuê sân hàng chục năm để các doanh nghiệp chủ động khai thác”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “nút thắt” lớn nhất khiến kinh tế thể thao Việt Nam chưa phát triển là do hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chế độ, chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ; nhiều quy định không còn phù hợp, chậm được bổ sung, sửa đổi, chưa tạo được hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai chủ trương xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực thể thao. Một số hoạt động kinh doanh thể thao hấp dẫn, có khả năng mang lại hiệu quả kinh doanh cao vẫn chưa có hành lang pháp lý cho phát triển hoặc đã có nhưng khó thực hiện ở Việt Nam”.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/loay-hoay-giai-bai-toan-kinh-te-the-thao-733252