Thứ hai,  08/07/2024

Một hội thảo – Một tầm nhìn về văn hóa Xứ Lạng

(LSO) – Trong tháng 11/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy đặc trưng văn hóa Xứ Lạng”.  Cách đây 35 năm, hội thảo khoa học “Xứ Lạng – Lạng Sơn xưa và nay” tổ chức ở địa điểm sơ tán của tỉnh tại Đồng Bành (Chi Lăng) có các giáo sư, nhà khoa học tên tuổi ở trung ương tham gia cùng với các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa của tỉnh hồi ấy đã đưa ra, lý giải một số vấn đề về văn hóa, lịch sử của Xứ Lạng – Lạng Sơn; nay lại được các nhà khoa học lớp sau đưa ra bàn, làm rõ thêm một số điểm mà thời đại đang cần giải đáp về lý luận và trong thực tiễn.

Đó là những vấn đề xung quanh về nhận thức nguồn gốc, xuất xứ của từ  “Xứ Lạng”; các yếu tố tác động đến sự hình thành vùng đất – con người, đặc trưng văn hóa Xứ Lạng và các thành tố làm nên đặc trưng ấy; vai trò, vị trí của Xứ Lạng trên các lĩnh vực trong lịch sử và hiện tại; Xứ Lạng trong tâm thức của nhân dân trong và ngoài tỉnh; phương hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy di sản, đặc trưng văn hóa Xứ Lạng gắn với phát triển kinh tế – xã hội – an ninh – du lịch – dịch vụ của Lạng Sơn hiện nay…

Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo Tồn dân ca tỉnh phát biểu tại hội thảo.   Ảnh: LA MAI

Các bài tham luận và các ý kiến trao đổi trong hội thảo đều gặp nhau ở nhiều điểm quan trọng: vị trí đặc biệt quan trọng của Xứ Lạng – Lạng Sơn xưa và nay được lịch sử chọn, trao cho vị trí là ‘địa đầu’, ‘phên dậu’, ‘cửa ngõ’ quốc gia với những thuận lợi và khó khăn mỗi thời; về những nét độc đáo của di sản làm nên đặc trưng văn hóa Xứ Lạng (môi trường – sinh thái, nhà ở, ẩm thực, tín ngưỡng dân gian, văn học dân gian, lễ hội truyền thống, dân ca dân vũ…); về tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, đặc biệt là du lịch trong thời đại hiện nay…

Làm thế nào để bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa Xứ Lạng gắn với phát triển kinh tế, văn hoá, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay? Đây là một câu hỏi khó, không dễ trả lời thỏa đáng trong một cuộc hội thảo. Tuy nhiên, với tầm nhìn và kinh nghiệm từ thực tế nhiều nơi, với tình cảm và tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa vốn có gắn bó với mảnh đất có vị trí hiểm yếu chiến lược của Tổ quốc, đã lý giải và đưa ra một số giải pháp; đề xuất, đề nghị với ngành văn hóa, với lãnh đạo tỉnh.

Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm chuyển biến và sâu sắc hơn nữa vấn đề mấu chốt tưởng như đã biết, đã rõ nhưng vẫn còn rất nhức nhối trong thực tiễn hằng ngày, đó là nhận thức. Dù đã có các nghị quyết của Đảng, chính quyền ghi rõ vai trò của văn hóa là động lực của sự phát triển và đề cao văn hóa ngang bằng kinh tế nhưng đó mới chỉ trên lý thuyết, còn áp dụng trong thực tế còn nhiều bất cập. Hình như vẫn có nhận thức coi văn hoá là cái gì tinh túy, cao sang, xa vời hoặc chỉ là văn nghệ vui vẻ, giải trí đơn thuần, có thì tốt, không thì chưa chết ai; chưa thấy văn hóa nó có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống và tác động trực tiếp, làm giảm hoặc tăng áp lực lên cuộc sống, có tác dụng cân bằng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế – văn hóa phát triển, xã hội ổn định… Vì thế, trong công tác quản lý, chỉ đạo phần nào còn coi nhẹ.

Phát triển kinh tế – xã hội Lạng Sơn trong tương lai không chỉ dựa vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, vốn… (khá hạn hẹp) mà còn ở khả năng huy động tối đa nguồn lực con người, làm cho văn hoá thấm sâu vào trong các lĩnh vực của xã hội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển; dùng văn hóa để quảng bá hình ảnh của Xứ Lạng trong phát triển kinh tế, du lịch, nhằm thu hút khách, nhà đầu tư đến tìm hiểu, khám phá Xứ Lạng, lựa chọn đầu tư ở Lạng Sơn…

Văn hóa Xứ Lạng hiện nay và trong tương lai phải xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, đặc trưng cùng với xây dựng và tiếp thu những giá trị mới có chọn lọc để làm tốt vai trò là nền tảng tinh thần, vừa là động lực của sự phát triển trong thời kỳ mới hiện nay.

Từ nhận thức phải đến hành động. Việc hoạch định chính sách, kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản, đặc trưng văn hóa Xứ Lạng phải được đặt ra như một vấn đề chiến lược của ngành để có tầm nhìn rộng và xa, khắc phục tư duy “nhiệm kỳ”, thiếu sự ổn định, kế tiếp giữa người trước người sau hoặc cách làm theo cảm hứng, thích gì làm đó, lao vào cái cụ thể quên đi cái toàn cục, “thấy cây không thấy rừng” hoặc theo kiểu “ăn nhanh, ăn liền”.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong hội thảo đã đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau hội thảo này chủ trì, tập hợp một số người tâm huyết,  am hiểu về lý luận và thực tế của tỉnh, cùng  xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy di sản, đặc trưng văn hóa Xứ Lạng gắn với phát triển kinh tế, an ninh, an sinh xã hội với các dự án thành phần, trong đó lấy du lịch làm mục tiêu từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo để trình lãnh đạo tỉnh.

Với 19 bài tham luận được trình bày và một số ý kiến phát biểu trao đổi thẳng thắn, chân thành, kể cả những bài viết chưa được trình bày trong hội thảo, chắc chắn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những vấn đề mới về nhận thức, lý luận và những góp ý, đề xuất của các nhà khoa học tâm huyết với Xứ Lạng để đưa vào trong chương trình công tác, để chỉ đạo thực hiện trong thực tiễn; đưa nghị quyết của Đảng, chính quyền, chất xám của các nhà khoa học vào trong cuộc sống nhằm làm cho văn hoá thực sự thành “động lực” của sự phát triển Xứ Lạng; làm cho di sản biến thành tài sản, làm cho truyền thống trở thành nguồn lực của hiện tại và tương lai…

VI HỒNG NHÂN (Thành phố Lạng Sơn)