Thứ hai,  08/07/2024

Phòng, chống HIV/AIDS: Toàn tỉnh nỗ lực đạt mục tiêu 90-90-90

(LSO) – Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90 vào năm 2020”. Đây là năm thứ 5 liên tiếp chủ đề này được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm chọn để chỉ đạo. Theo đó, Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp để nỗ lực thực hiện các mục tiêu này.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên trên địa bàn.  Ảnh:TRIỆU THÀNH

     Thực trạng

Kể từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên vào tháng 12/1993, đến thời điểm này, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trong toàn tỉnh là 2.977 người, có 2.791 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 2.095 trường hợp tử vong do AIDS; số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống được quản lý là 882 người. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, theo ước tính của Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, năm 2018 Lạng Sơn ước tính có khoảng 1.180 người nhiễm HIV còn sống tại cộng đồng.

Hiện nay, 11/11 huyện, thành phố của tỉnh đều có người nhiễm HIV/AIDS với tổng số xã, phường, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS là 156/226, chiếm 69% tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Theo khuyến cáo của Liên hợp quốc, nếu các quốc gia có thể đạt các mục tiêu vào năm 2020 thì có thể tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh, mặc dù tốc độ lây lan của HIV/AIDS đã được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây bùng phát trở lại do hình thái lây nhiễm qua con đường tình dục ngày càng tăng; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ mại dâm mặc dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc tuyên truyền, tư vấn cho đối tượng uống methadone làm xét nghiệm HIV

     Đồng bộ các giải pháp

Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (Ban chỉ đạo 138) của tỉnh và ngành y tế đã ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định, muốn đạt được 3 mục tiêu 90-90-90 thì cần đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm, điều trị kháng thuốc.

Hiện nay, toàn tỉnh có 14 cơ sở y tế triển khai tư vấn, xét nghiệm và sàng lọc HIV tại 11 huyện, thành phố và 2 bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có 1 phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV dương tính tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Hằng năm, các cơ sở y tế triển khai hơn 20.000 mẫu xét nghiệm HIV. Từ đầu năm 2018 đến nay, số bệnh nhân quản lý được tư vấn, chăm sóc tại nhà và cộng đồng là 807/882 người, đạt  91,5%.

Cùng với tư vấn, xét nghiệm HIV, tỉnh chỉ đạo ngành y tế quan tâm điều trị bệnh nhân AIDS bằng thuốc kháng vi rút ARV. Hiện nay, ngành y tế tiếp tục duy trì hoạt động của 6 phòng khám ngoại trú điều trị ARV tại: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trung tâm y tế các huyện: Cao Lộc, Tràng Định, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Lãng. Số bệnh nhân hiện đang điều trị thuốc ARV là 685 bệnh nhân.

Hiện nay, so với các địa chỉ điều trị ARV của tỉnh thì Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc đang có số bệnh nhân điều trị đông nhất, chiếm gần 60% số bệnh nhân điều trị của cả tỉnh. Ông Chu Đình Quế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, phòng khám ngoại trú điều trị ARV của Cao Lộc đang điều trị cho 401 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân đều tuân thủ phác đồ điều trị theo yêu cầu, qua đó giúp cho bệnh nhân có tải lượng vi-rút ở dưới ngưỡng quy định, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh, trong khoảng 5 năm trở lại đây, dịch HIV/AIDS ở Lạng Sơn đã có xu hướng giảm cả 3 tiêu chí: số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân chuyển sang AIDS và số tử vong do AIDS. Ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Theo ước tính của ngành, hiện mới chỉ có 74,5% số người nhiễm HIV/AIDS tại Lạng Sơn biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 62,8% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và khoảng 5-10% được xét nghiệm đo tải lượng vi-rút.

So kết quả ước đạt của tỉnh với mục tiêu 90-90-90 đề ra thì thời gian tới các cấp, ngành cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu. Muốn vậy, cần đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh công tác tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm HIV; đồng thời kết nối giữa xét nghiệm và điều trị để những người có kết quả xét nghiệm HIV (+) được tiếp cận với điều trị thuốc kháng vi-rút ARV kịp thời nhất.

Mục tiêu 90 – 90 – 90 tức là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và  giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
THANH HUYỀN