Thứ sáu,  20/09/2024

Khắc phục hậu quả dịch tả lợn châu Phi: Ngân hàng đồng hành cùng người chăn nuôi

(LSO) – Trước hậu quả nặng nề khi dịch tả lợn châu Phi tràn qua địa bàn, ngành ngân hàng đã chủ động rà soát số tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch bệnh để lên phương án hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.

   Thống kê, rà soát thiệt hại

Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi, ngày 20/6/2019, Ngân hàng Nhà nước Lạng Sơn đã ban hành công văn yêu cầu các ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, tổng hợp khách hàng vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn bị thiệt hại do bệnh dịch tả châu Phi và báo cáo kết quả thống kê định kỳ hằng tháng.

Theo số liệu tổng hợp, đến thời điểm đầu tháng 7/2019, toàn tỉnh có gần 2.800 hộ cá nhân và 14 doanh nghiệp, hợp tác xã vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi lợn với tổng số dư nợ xấp xỉ 200 tỷ đồng. Trong đó số hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại có dư nợ gần 90 tỷ đồng và phần lớn các cơ sở trong tình trạng “trắng lợn”, gặp khó khăn trong việc trả lãi vay.

Cán bộ Agribank Lạng Sơn tư vấn khách hàng xử lý khoản vay đầu tư chăn nuôi bị thiệt hại.  Ảnh: ANH DŨNG

Bà Vi Thị Hoa, Trưởng phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại rà soát, thống kê một cách đầy đủ, chính xác khách hàng vay vốn bị thiệt hại do dịch. Đặc biệt khách hàng là các hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn và những doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chăn nuôi lợn bị thiệt hại nghiêm trọng, từ đó thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

   Đồng bộ giải pháp gỡ khó

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở số liệu thống kê và phân tích thiệt hại của khách hàng, xây dựng phương án hỗ trợ hợp lý. Trong đó tập trung triển khai các biện pháp chủ yếu như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay và kịp thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi lãi suất theo quy định của Chính phủ về các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tái đàn, phát triển chăn nuôi.

Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Đến đầu tháng 7/2019, dư nợ của khách hàng vay vốn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch là hơn 86 tỷ đồng, chi nhánh đã xem xét thực hiện giảm lãi cho toàn bộ khách hàng bị thiệt hại. Đồng thời, chỉ đạo chi nhánh huyện, các phòng chuyên môn phân tích để thực hiện các biện pháp khoanh nợ, giãn thời hạn trả nợ, trả lãi phù hợp.

Theo số liệu thống kê của ngành ngân hàng, số hộ chăn nuôi bị thiệt hại lớn tập trung chủ yếu ở địa bàn 2 huyện Hữu Lũng và Tràng Định. Trong đó có cơ sở thiệt hại gần 10 tỷ đồng như trường hợp trang trại lợn của hộ ông Vũ Viết Sơn, thôn Đồng Bụt, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng. Ông Sơn chia sẻ: Tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng hơn 7 tỷ đồng đầu tư toàn bộ vào trang trại chăn nuôi lợn. Dịch bệnh tràn qua giờ toàn bộ chuồng trại để không, trắng xóa vôi bột. Tôi rất mong ngân hàng tạm thời khoanh nợ, giảm lãi vay để chúng tôi vượt qua khó khăn và xem xét cho vay đầu tư lại khi dịch đã qua, mở ra cơ hội khôi phục kinh tế.

Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Hiện tại ngân hàng đã thành lập tổ tiếp nhận và theo dõi kết quả thống kê, báo cáo của các ngân hàng thương mại, tìm hiểu, đánh giá việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng vay vốn chăn nuôi bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đồng hành cùng người chăn nuôi khắc phục hậu quả dịch bệnh.

ANH DŨNG